Tư lệnh ngành lo ngại mô hình du lịch đêm “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ"

Mặc dù có tiềm năng và là xu hướng phổ biến trên thế giới, song lãnh đạo Bộ VHTTDL cho rằng vấn đề này mới và khó, bởi sản phẩm du lịch đêm là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.

Du khách trải nghiệm tour đêm Đền Hùng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách trải nghiệm tour đêm Đền Hùng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều nay, 5/6, xung quanh câu chuyện triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận “đây là vấn đề mới và khó” và rằng “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ.”

Mô hình tiềm năng nhưng rủi ro

Cho rằng du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng đánh giá mô hình này ở Việt Nam hiện vẫn đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi muốn biết quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp vấn đề này như thế nào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí...

Theo Bộ trưởng, nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật thời gian qua được các địa phương xây dựng như: “Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học,” “Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm,” “Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình,” “Quận 1 - Sắc màu đêm”…

Mặc dù có tiềm năng và là xu hướng phổ biến trên thế giới, song lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_phien_chat_van_va_tra_loi_chat_van_linh_vuc_van_hoa_the_thao_va_du_lich_7414397.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay, 5/6. (Ảnh: TTXVN)

Để phát triển kinh tế, du lịch đêm, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm; cần có chính sách, chế độ cho những người trực tiếp tham gia hoạt động này (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...). Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thị trường, bởi kinh tế đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi lại bỏ. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.

Tư lệnh ngành lấy ví dụ khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ vắng bóng du khách. Bộ trưởng cho rằng các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách.

Hãy bán cái du khách cần

Dẫn nhiều đánh giá trong báo cáo của Bộ trưởng gửi các đại biểu Quốc hội trước đó, cho rằng các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu. Đặc biệt, về thí điểm phát triển sản phẩm du lịch đêm ở 12 địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn chất vấn Bộ trưởng về giải pháp nhằm đổi mới sản phẩm đặc thù này và lộ trình thí điểm ở 12 địa phương cũng như việc mở rộng sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thí điểm phát triển du lịch đêm không vướng quy hoạch, do quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt, đã xác định rõ khu nào làm du lịch, còn việc phân định, lựa chọn khu vực nào để phát triển du lịch đêm là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Theo tư lệnh ngành, cả nước đang thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên việc triển khai ra sao cần có tính toán cụ thể. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh một trong những nguyên lý của thị trường là “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái chúng tôi có.”

z5510531272485_d035ac7eda69190b4b10fb93fc35e15b.jpg
Du khách thưởng thức Lễ thượng triều của vua chúa và điệu múa cổ “Cung đình Thăng Long.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do đó, với gói sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng cho biết mới chỉ đưa ra các hướng dẫn, thời gian tới sẽ thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các địa điểm lớn. Bởi loại hình sản phẩm này còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu và nhiều tệp du khách khác nhau, nên địa phương cần phân loại, phân tầng, phân nhóm, rồi sau đó mới chọn các gói.

Trước khi triển khai du lịch đêm, lãnh đạo ngành du lịch cho biết đã tìm hiểu một số gói sản phẩm loại hình này của các quốc gia và nhận thấy các sản phẩm cũng được lựa chọn theo phân khúc thị trường và tập trung ở khu vực nào có tính chất trọng yếu chứ không dàn trải.

“Tôi tin sau quyết định của Thủ tướng và sự vào cuộc của các địa phương, chúng ta sẽ dần làm được. Du lịch được làm ngày càng tốt thì du lịch đêm sẽ có thêm sản phẩm phụ trợ, đó cũng là cách tiếp cận,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ./.

Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương theo kiểu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí riêng biệt.

Một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu đã ghi dấu ấn với du khách như: Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học, Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm, Phố đêm du thuyền Hạ Long, Quận 1 - Sắc màu đêm.

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa khác cũng thu hút du khách như biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại. Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng chính sách khuyến khích phát triển du lịch đêm vẫn còn thiếu; sản phẩm du lịch đêm đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, chợ đêm; quy hoạch không gian riêng, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế và chưa có cơ chế đặc thù.

Để vận hành trơn tru, Bộ sẽ ban hành các quy chế, quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo đồng bộ, an toàn, đúng pháp luật. Bộ trưởng đề xuất quảng bá mô hình du lịch đêm hướng đến nhóm khách lưu trú dài ngày, khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay du lịch Việt Nam thiếu các hoạt động vui chơi, tham quan, giải trí cho du khách, nhất là các hoạt động về đêm. Khảo sát từ Tổng cục Du lịch cho thấy chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%); mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục