Tư lệnh ECOWAS họp bàn can thiệp quân sự Mali

Ngày 16/6, tư lệnh quân đội các nước Tây Phi đã nhóm họp tại Côte d'Ivoire để bàn về khả năng can thiệp quân sự vào Cộng hòa Mali.
Ngày 16/6, tư lệnh quân đội các nước Tây Phi đã nhóm họp tại Côte d'Ivoire để xác định sứ mệnh của lực lượng an ninh khu vực có thể sẽ được triển khai tại Bắc Mali nhằm chiến đấu chống các nhóm vũ trang đang kiểm soát miền Bắc nước này.

Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho biết tổ chức này có một lực lượng gồm 3.000 quân sẵn sàng vào Mali để trợ giúp chính phủ lâm thời và tìm cách giành lại một nửa lãnh thổ phía Bắc của nước này, hiện do phiến quân Tuareg và các đồng minh al-Qaeda kiểm soát.

Phát biểu trong phiên mạc hội nghị, Tư lệnh Lục quân Côte d'Ivoire Soumaila Bakayoko khẳng định lực lượng của ECOWAS sẽ "bình ổn và củng cố các quyền lực chuyển tiếp ở thủ đô và cùng với quân đội Mali "thực hiện nỗ lực tái chiếm miền Bắc."

Ông Bakayoko nói thêm rằng bạo lực sẽ chỉ là phương sách cuối cùng "sau khi đã nỗ lực hết sức trong đàm phán."

Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Mali Ibrahima Dahirou khẳng định với các phóng viên rằng sẽ khó có thể giải quyết tình hình ở miền Bắc nước này mà không có sự can thiệp quân sự.

[HĐBA không chấp thuận giải pháp quân sự với Mali]

Cuộc gặp này diễn ra một ngày sau khi ECOWAS đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ lực lượng trên, song kế hoạch của ECOWAS chưa được Liên hợp quốc chấp thuận.

Trong khi đó, ngày 15/6, Thủ tướng Mali Modibo Diarra cho biết sẽ sử dụng mọi biện pháp và khả năng tài chính của đất nước để cải tổ và xây dựng một quân đội mạnh và có khả năng khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Diarra đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc thảo luận trong hai giờ tại Paris với Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traoré, người đang ở Pháp để dưỡng bệnh. Sau cuộc thảo luận, ông Diarra đã thông báo với cộng đồng người Mali ở Pháp lập trường của chính phủ, tình hình ở miền Bắc và thực trạng của quân đội Mali.

Ông Diarra khẳng định với "vũ khí không hoạt động" và "nửa cơ số đạn dược bị hỏng," quân đội Mali "không thể đối đầu" với kẻ thù được "trang bị tốt hơn," với "vũ khí tối tân hơn"...

Thủ tướng Diarra tuyên bố ưu tiên hàng đầu của chính phủ là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ đất nước và cho biết chính phủ sẵn sàng thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Azouad (MNLA) và nhóm Hồi giáo cực đoan Ançar Dine, nhưng không loại trừ phương án quân sự để giải phóng miền Bắc.

Thủ tướng Diarra loại trừ sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài do Liên hợp quốc điều phối ở Mali, nhưng bày tỏ mong muốn các nước hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật và tài chính để xây dựng lại quân đội Mali./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục