Từ hôm nay, tài khoản mạng xã hội đã xác thực mới được đăng tải thông tin

Nghị định 147 với quy định xác thực tài khoản bằng số điện thoại tại Việt Nam có hiệu lực từ 25/12/2024, các mạng xã hội sẽ có thời gian 90 ngày để thực hiện.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang có 1.056 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động. Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản, mạng xã hội xuyên biên giới là 203 triệu.

Trong đó, số người dùng Zalo hàng tháng (tính đến 30/6/2024) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và TikTok 67 triệu người dùng.

Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Theo nội dung trong Nghị định, tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài (viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin).

Cụ thể, trong vòng 90 ngày tới tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Các tài khoản phải được xác thực bằng số điện thoại di động. Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tài khoản sẽ được xác thực bằng số định danh cá nhân.

Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để livestream với mục đích thương mại phải được thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Như vậy, những người dùng các dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay như: Facebook, Instagram, YouTube, TikTok… phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin.

Việc này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin giả mạo cũng như các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia NCS cho hay, sự ra đời của Nghị định 147 sẽ có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức cá nhân của người dùng Internet, giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội.

vu-ngoc-son.jpg
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia NCS. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lý giải cụ thể hơn, theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng. Yêu cầu xác thực cũng giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn.

Đối với cộng đồng và trật tự xã hội, ông Sơn cho rằng, việc xác thực tài khoản không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng.

Điều này đặc biệt quan trọng với các nội dung độc hại như bạo lực, kích động, lừa đảo hay những nội dung xâm phạm lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác.

Ở góc nhìn của một đơn vị cung cấp dịch vụ Internet, bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc cho hay Nghị định 147 vừa ban hành sẽ có tác động tới toàn bộ hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.

Một trong những điểm đáng chú ý là quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội. Theo đó, người sử dụng bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân để đăng bài, bình luận, hay livestream.

sonr8519.jpg
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo bà Oanh, quy định này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế các thông tin sai lệch, giả mạo, từ đó góp phần ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Người dùng tham gia mạng xã hội với danh tính thực sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn khi đăng tải, thảo luận hay chia sẻ nội dung. Cũng vì thế, quy định này sẽ giúp tạo ra môi trường mạng an toàn hơn.

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc cũng cho rằng, nhiều người dùng có thể sẽ e ngại khi phải xác thực thông tin cá nhân. Điều này có thể làm giảm lượng người sử dụng hoặc hạn chế các hoạt động như bình luận, chia sẻ công khai. "Các nền tảng mạng xã hội sẽ phải đối mặt với thách thức để vừa đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, thoải mái cho người dùng, vừa không khiến người dùng lo ngại về quyền riêng tư," bà Oanh nhận định.

Theo các chuyên gia, việc xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến. Quy định này cũng góp phần chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng Internet, đó là coi không gian mạng là không gian ảo, và vì ảo nên lên mạng có thể nói, làm bất cứ điều gì, thậm chí là vi phạm pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng ứng dụng Telegram. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Telegram lần đầu tiên thông báo lợi nhuận ròng

CEO Telegram cho biết năm 2024 là 1 năm thuận lợi như đã dự báo của Telegram và có lợi nhuận lần đầu tiên sau 3 năm cung cấp các gói đăng ký sử dụng có trả phí và hiển thị các nội dung quảng cáo.

Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối việc Mỹ tiến hành điều tra theo Mục 301 đối với các chính sách của Trung Quốc trong ngành bán dẫn. (Nguồn: ABC News)

Trung Quốc phản đối Mỹ điều tra ngành bán dẫn

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra sẽ gây gián đoạn, bóp méo chuỗi cung ứng và ngành bán dẫn toàn cầu, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Albania “cấm cửa” TikTok ít nhất 1 năm

Việc chặn mạng xã hội TikTok diễn ra chưa đầy một tháng sau khi một học sinh 14 tuổi tử vong và một học sinh khác bị thương trong cuộc ẩu đả gần một trường học ở Tirana.