Từ hội chứng fast-fashion đến những thiên tài kiệt... sức?

Với người làm thời trang, không có niềm vui nào hơn được mãi sáng tạo, nhưng cũng sẽ chẳng có gì đau đớn hơn khi chính sự sáng tạo đó lại hủy diệt mình.

“Mọi thứ phải được hoàn tất trong 3 tuần, tối đa 5 tuần. Chẳng có thời gian ấp ủ ý tưởng, trong khi quãng thời gian ấy luôn rất quan trọng. Thậm chí, nếu tổ chức một show catwalk, đặc biệt là show diễn ở nước ngoài, chúng sẽ ngốn mất thêm từ 6 đến 7 ngày trong quỹ thời gian ngắn ngủi của bạn” – cựu Giám đốc Sáng tạo của Dior, Raf Simons, chia sẻ.

Bộ sưu tập Xuân Hè 2016 của Christian Dior.

Trở lại 4 năm trước, vào một ngày đầu tháng Ba giữa cao điểm Tuần lễ Thời trang Paris, Dior đột ngột thông báo chấm dứt hợp đồng với John Galliano – Giám đốc Sáng tạo đương nhiệm lúc bấy giờ – bởi những phát ngôn phân biệt chủng tộc gây sốc của ông trong đoạn video được lan truyền với tốc độ chóng mặt vài ngày trước.

Tưởng chỉ là phút bốc đồng nhất thời, nhưng cơn điên của John chính là kết quả của một hệ thần kinh đã bị “ma men” ám hơi suốt một thời gian dài.

Ngay sau đấy, Galliano đã phải nhập viện để cai nghiện rượu và cả những loại chất kích thích nguy hiểm khác. Chuyện ông thường xuyên cáu gắt và bỏ đi suốt nhiều ngày liền đã thành “cơm bữa” đối với các nhân viên xưởng may của Dior.

Thậm chí, có lần Galliano đã phó mặc cho ai muốn làm gì thì làm chỉ vài ngày trước khi giới thiệu một bộ sưu tập haute couture bởi ông chẳng thể bước nổi ra khỏi giường mình. Thiên tài đã thực sự kiệt sức ngay trong lúc mọi người vẫn tưởng ông đang trên đỉnh vinh quang.

Bộ sưu tập Thu Đông 2011-12 của Dior là bộ sưu tập cuối cùng John Galliano thực hiện cho nhà mốt này.

Dòng máu Tây Ban Nha sôi nổi, giàu có về lịch sử và văn hóa đã nuôi cho John Galliano một trí tưởng tượng bay bổng. Cộng với việc được đào tạo bài bản tại Học viện Thời trang Central Saint Martins danh tiếng, con đường thành công của ông dường như đã được các vì sao vạch rõ.

Ngông cuồng và bất chấp mọi quy tắc, ông tạo nên một cơn địa chấn trong làng thời trang khi trở thành người Anh đầu tiên đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của cả hai nhà mốt haute couture lâu đời nhất tại Paris là Givenchy và Dior.

Cứ tưởng nguồn vốn vô tận của Dior, con cưng của Bernard Arnault - Chủ tịch Tập đoàn LVMH, sẽ giúp cả những giấc mơ hoang đường nhất của Galliano trở thành sự thật, nhưng buồn thay, thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng.

Sức ảnh hưởng từ những bộ sưu tập của Galliano tại Dior là điều không thể chối cãi. Sự sáng tạo vô biên của ông cùng nguồn lực tài chính vô tận của tập đoàn quyền lực LVMH đã đưa giới mộ điệu thời trang từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Ai Cập cổ đại cho đến những bóng ma không đầu của Marie Antoinette.

Không ai khác ngoài John dám “cả gan” lật tung hình tượng đài các của người phụ nữ Dior để biến họ thành những quý cô trẻ trung, gợi cảm đầy kịch tính, táo bạo. Doanh thu của Dior tăng vọt, và Galliano được tung hô như một ngôi sao.

Nhà thiết kế John Galliano giữa vòng vây của cánh phóng viên năm 2011.

Nhưng lợi nhuận chẳng bao giờ là đủ với các cổ đông. Nếu như trong những ngày đầu của sự nghiệp, Galliano chỉ phải thiết kế hai bộ sưu tập mỗi năm cho thương hiệu riêng, thì tại thời điểm ông ra đi, con số ấy đã lên đến 12 bộ sưu tập cho cả Dior lẫn John Galliano trong một năm. Những chuyến đi dài ngày về những miền xa xăm để tìm cảm hứng cho các bộ sưu tập như trước đây bỗng trở thành điều quá xa xỉ.

Khủng khiếp hơn, ông còn phải tìm đến chất kích thích để giải tỏa căng thẳng cho mình. Và, từ vì Bắc Đẩu Tinh rực sáng, ánh hào quang rời Galliano còn nhanh hơn lúc nó đến. 

Cuối thập niên 1990, ngành thời trang chứng kiến một cú chuyển mình mang tính lịch sử.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ từ chỗ là công ty tư hữu hay cổ phần nhỏ đều được gom về một mối, quản lý bởi những siêu tập đoàn tư bản khổng lồ. Vốn được xem như ngành nghệ thuật thứ 8, thời trang bỗng biến thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ dollar.

Giữa thập niên 2000, sự phổ biến của các bộ sưu tập giao mùa (Cruise/Resort, Chớm Thu), mà “công lao” lớn nhất chính nhờ vào những show diễn xa hoa của Chanel tại các điểm du lịch nổi tiếng thế giới, đã đặt thêm gánh nặng mới cho những giám đốc sáng tạo. Chỉ sau vài năm, chúng trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu của bất cứ hãng thời trang nào.

Xuân Hè, Thu Đông, Resort, Chớm Thu, Haute Couture rồi lại Xuân Hè – những nhà thiết kế thời trang phải gồng mình chạy trên một guồng xoay bất tận. Họ luôn phải tạo ra cái mới, nhưng chẳng bao giờ có đủ thời gian để làm việc ấy.

Hội chứng fast-fashion ngày nay không chỉ xuất hiện ở những Zara, H&M mà đã lan đến cả các thương hiệu cao cấp nhất.

Raf Simons chào khán giả trong show diễn Xuân Hè 2016 của Dior, đồng thời cũng là bộ sưu tập cuối cùng anh thực hiện với cương vị Giám đốc Sáng tạo.

Raf Simons chỉ có đúng 8 tuần để hoàn thành bộ sưu tập đầu tay của mình cho Dior. Lịch trình của nhà thiết kế gốc Bỉ bắt đầu lúc 10 giờ mỗi ngày, và từ đấy, mỗi phút, chính-xác-mỗi-phút, đều kín bưng.

“Tôi vừa làm một show diễn hôm qua. Ngay lúc này đây, khi đang ngồi trong xe, tôi lại tự nhắn cho mình 4, 5 ý tưởng mới để khỏi quên. Chúng luôn đến với tôi. Đấy chính là lý do tôi tồn tại trên cõi đời này. Tôi không gặp vấn đề gì với quy trình sáng tạo liên tục này”, nhà thiết kế từng khẳng định chắc nịch trong một bài phỏng vấn.

Tuy vậy, sau show diễn Xuân Hè 2016 với hơn 1.000 khách mời vừa qua, Raf Simons đã tự nói lời chia tay với Dior chỉ sau 3 năm ngắn ngủi gắn bó với nhà mốt.

Tháng 10 năm nay còn được đánh dấu bởi sự chia ly đầy tiếc nuối khác. Giám đốc Sáng tạo Alber Elbaz của Lanvin đã bị sa thải khỏi hãng sau 14 năm gắn bó, với lý do đơn giản đến tàn nhẫn là áo quần của ông không còn bán chạy như xưa. Chính việc phải liên tục ra mắt các bộ sưu tập đã đẩy những thiết kế của Alber rơi vào một lối mòn dẫn thẳng đến điểm kết thúc sự nghiệp của ông.

Ít ai ngờ đây lại có thể là hình ảnh cuối cùng của Alber Elbaz ở cương vị Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt Lanvin.

Hồi chuông cảnh báo từ John Galliano khiến các nhà thiết kế phải giật mình, và mỗi người đã tự chọn cho mình một “cơ chế phòng thủ” riêng. Hedi Slimane - Giám đốc Sáng tạo của Saint Laurent Paris, ngay lập tức rời khỏi thế giới thời trang ồn ào Paris để về studio tĩnh lặng của mình tại California (Mỹ).

Còn nhà thiết kế Phoebe Philio – Giám đốc Sáng tạo của Céline, đã trực tiếp đòi quyền được “sống chậm”. Dù làm việc tại một trong những thương hiệu chủ chốt của tập đoàn LVMH, bà vẫn luôn đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc và đời sống cùng gia đình mình tại Anh.

Cũng chọn cách ngẩng cao đầu bước đi như Raf Simons, Marc Jacobs đã bỏ Louis Vuitton danh giá lại sau lưng để được toàn tâm toàn ý chăm sóc cho "đứa con riêng" của mình.

Chỉ sau một vài mùa, ông đã lại có thể khiến người ta mơ mộng, lạc lối giữa các thiết kế của mình, điều đã vắng đi rất lâu trong khoảng thời gian ông phải ôm đồm vị trí giám đốc sáng tạo cho cả hai thương hiệu.

Galliano cũng đã trở lại với làng mốt. Cường độ làm việc điều độ và tinh thần khiêm nhường của Maison Margiela có lẽ phù hợp với vị giám đốc sáng tạo này hơn, bởi trong những tấm ảnh được phóng viên chụp gần đây, nụ cười hạnh phúc và khỏe mạnh lúc nào cũng nở trên môi ông.

Với người làm thời trang, không có niềm vui nào hơn được mãi sáng tạo, nhưng cũng sẽ chẳng có gì đau hơn khiến cho chính sự sáng tạo hủy diệt mình./. 

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục