Tự do hóa thương mại - Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam

TPP, EVFTA và các FTA khác có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, mang lại cơ hội phát triển thị trường một cách sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp khu vực.
Tự do hóa thương mại - Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Các diễn giả tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Hà Huy Hiệp/Vietnam+)

Ngày 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 150 CEO tại khu vực phía Nam đã tham dự Tọa đàm CEO Việt Nam 2016, với chủ đề “Hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại - Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam.”

Tọa đàm này do PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức, tập trung trao đổi, thảo luận về chiến lược hành động nhằm nắm bắt lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 9 hiệp định đã có hiệu lực. Trong đó, hai thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới: FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được nhận định là rộng lớn và kỳ vọng nhất mà Việt Nam từng tham gia.

TPP, EVFTA và các FTA khác có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam. Những hiệ​p định này mang lại cơ hội phát triển thị trường một cách sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp khu vực, vốn là một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế​.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng thêm tới 14,5%; người tiêu dùng sẽ mua được hàng hóa tốt hơn với giá rẻ hơn; sẽ có thêm vốn đầu tư nước ngoài hơn.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường tiêu thụ rộng lớn gồm hơn 600 triệu dân với tổng GDP ở mức 2,6 nghìn tỷ USD.

Với TPP, nếu các điều kiện kinh tế thuận lợi thì bên cạnh việc mở ra một thị trường khổng lồ cho hàng hóa Việt Nam, hiệp định này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD và giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD năm 2025.

Các FTA tiêu chuẩn cao cũng giúp thu hút càng nhiều dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục nhờ nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ, tự do hóa thương mại và thị trường tài chính cởi mở hơn.

Một trong những kỳ vọng khi thực thi các FTA là việc gia tăng lợi ích trong chuỗi giá trị, nhất là ngành dệt-may.

Các lợi ích tài chính có thể đến từ việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, các biện pháp bảo hộ và hàng loạt các loại thuế-phí; doanh nghiệp cũng có thể hưởng lợi từ các nguồn lực đa dạng hơn…

Các diễn giả tại tòa đàm nêu bật nội dung​ các FTA mang đến cả cơ hội và thách thức cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp; để hưởng lợi từ các FTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hành động, nhưng họ không hề đơn độc; doanh nghiệp cũng nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ và các tổ chức nghề nghiệp.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh các FTA sẽ mang lại một khuôn khổ pháp lý ổn định, một sân chơi với một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Ông Patrick Tay, Giám đốc Tư vấn Công ty PwC Malaysia cho rằng Việt Nam và Malaysia sẽ là những quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn cả khi thực hiện TPP. Ông nêu rõ trước vận hội mới các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI nhận định đối với TPP, một thị trường rộng lớn mà hiệp định này mở ra thì trong điều kiện kinh tế thuận lợi, TPP có thể giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu hứa hẹn sẽ có những bước đột phá.

Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về hội nhập.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều vấn đề về tính minh bạch, thiếu một hệ thống pháp luật đồng nhất, hiệu quả, nhân lực tuy dồi dào nhưng còn yếu về ngoại ngữ, thiếu các nhân lực lành nghề, chuyên môn sâu, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các khu vực thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Trước thực tế đó, khâu đột phá là cần tập trung giải quyết những vấn đề như: đổi mới thể chế, gắn việc đổi mới thể chế trong nước với thể chế hội nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn.

Không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh tốt thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA.

Đồng thời tăng cường cải cách và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, phần lớn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới khoảng 2-3 thế hệ.

Mặt khác cần chuẩn bị nguồn nhân lực, không chỉ dừng lại ở những lợi thế cũ như giá nhân công rẻ mà phải nâng cao các tiêu chí về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn và tính chuyên nghiệp để xây dựng một thị trường lao động cạnh tranh và phát triển.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nêu rõ những hiệp định trên sẽ mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển và nhắn nhủ các doanh nghiệp đừng chờ đợi, hãy hành động ngay hôm nay, nếu chúng ta muốn nắm bắt cơ hội để phát triển trong giai đoạn nhiều biến động này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục