Quốc hội khóa XV sẽ bước vào kỳ họp thứ hai vào cuối năm nay. Đây cũng là kỳ họp mà Quốc hội khóa mới bắt đầu thực hiện chức năng lập pháp với việc xem xét, thông qua bảy dự án luật.
Ngay từ trung tuần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về việc chuẩn bị 7 dự án luật thuộc lĩnh vực, gồm: thi đua, khen thưởng; điện ảnh; cảnh sát cơ động; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; kinh doanh bảo hiểm; thống kê; sở hữu trí tuệ.
Đây là cuộc làm việc để lãnh đạo Quốc hội nghe và cho ý kiến việc chuẩn bị quy trình, định hướng đối với những dự án luật trên, quá trình chuẩn bị thẩm tra trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào ngày 17/8 này và phiên họp tháng 9 tới, trước khi trình ra Quốc hội.
Trở lại thời điểm trước cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào tháng 5/2021, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều có chương trình hành động báo cáo trước cử tri tại Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu trúng cử, với vai trò là đại biểu Quốc hội sẽ kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
[Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng pháp luật từ sớm, từ xa]
Với sự cam kết của mình với cử tri, ngay sau bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Nêu yêu cầu đối với các cơ quan chức năng trong việc chuẩn bị các dự án luật sẽ “mở hàng” cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khóa XV, tại cuộc làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã tập trung phân tích sâu về những điểm mới của các lĩnh vực thuộc phạm trù điều chỉnh của từng dự án luật; nêu bật sự cần thiết của việc từng dự án luật phải được tổ chức hội thảo khoa học để nghe các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc mọi vấn đề; nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý cho các dự thảo luật này; đánh giá tác động…
Lấy ví dụ, công tác thi đua, khen thưởng là nhằm tạo ra động lực phát triển xã hội. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn có nơi hiểu sai dẫn đến “bệnh sính thành tích,” sính bằng khen, danh hiệu.
Rồi dẫn đến chuyện “chạy” để được khen thưởng. Do đó, về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sắp tới sẽ trình ra Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội nêu rõ quan điểm đối với các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tránh tính hình thức, không thực chất, thiếu công bằng; đề nghị tập trung thực hiện tốt các hình thức khen thưởng đã có, khen ít nhưng thích đáng; bảo đảm khen thưởng kịp thời chứ không phải mang tính tích lũy thành tích; làm rõ tiêu chí của thi đua, khen thưởng để làm cơ sở cho chính sách chi lương mới…
Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri luôn có những yêu cầu và yêu cầu cao đối với người đại diện của mình tại cơ quan lập pháp. Đó là việc tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là những quan hệ xã hội trên thực tế mới phát sinh đang rất cần sự điều chỉnh của pháp luật…
Có thể nói, những yêu cầu này đều bắt nguồn từ thực tiễn khách quan, đặt ra cho đại biểu Quốc hội xem xét, giải quyết.
Và như vậy, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, muốn giải bài toán “chuẩn ngay từ đầu”, để tuổi thọ của mỗi đạo luật ban hành dài hơn, để có một hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa… , sẽ có những áp lực để các đại biểu Quốc hội phải chắt lọc những cách làm hay, kinh nghiệm quý từ những khóa trước, kinh nghiệm quốc tế, cùng với quyết tâm cao, tư duy đổi mới phù hợp với điều kiện đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là việc thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các quy định khắt khe hơn đối với tất cả các chủ thể tham gia…
Trong chương trình hành động của mình với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội phải gắn lý luận với thực tiễn, lắng nghe ý kiến của người dân, cơ chế chính sách ban hành phải hợp với lòng dân, phù hợp với thực tiễn của đời sống.
Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải hết sức chú trọng, phải lắng nghe, đánh giá tác động, nhất là đánh giá những lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chịu tác động của các dự án luật.
“Nếu ngồi phòng lạnh để làm luật và nghị quyết sẽ không sát thực, không lắng nghe được người dân muốn gì, lắng nghe thực tiễn cuộc sống như thế nào.” “Những dự án luật khó, nội dung chuyên sâu, phức tạp càng phải đầu tư công sức, nỗ lực, cố gắng cao” và kinh nghiệm là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Những thử thách, khó khăn đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội bằng khả năng của mình cùng với tinh thần cầu thị, lắng nghe và học hỏi để nỗ lực vượt qua với đích hướng tới là đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân, cũng như góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đối với mỗi đại biểu Quốc hội đó là thực hiện ngay chương trình hành động, lời hứa danh dự của mình với cử tri./.