Chủ trương tự chủ tuyển dụng nhân sự ở các trường Trung học phổ thông được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019 với 2 trường đầu tiên đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của xã hội.
Chủ trương này sẽ tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong việc tuyển chọn được đội ngũ giáo viên giỏi, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tuy nhiên, để thực hiện được tốt chủ trương này, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và trách nhiệm của hiệu trưởng.
Tạo bước đột phá
Theo lộ trình ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề ra, sau năm 2020 tất cả các trường Trung học phổ thông công lập của thành phố sẽ tự chủ về nhân sự. Như vậy, hiệu trưởng các trường sẽ được tự chủ trong công tác tuyển dụng giáo viên cho đơn vị mình.
Trước mắt, năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phân cấp trách nhiệm tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho hiệu trưởng đối với 2 trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa và Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong.
Dự kiến trong năm học tới, Sở tiếp tục phân quyền tuyển dụng thêm cho các trường Trung học phổ thông thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế, trường trung học phổ thông có lớp chuyên, rồi đến các trường nội thành và ngoại thành.
Theo ý kiến đánh giá của nhiều hiệu trưởng, chủ trương này là bước đột phá lớn, cơ hội để người sử dụng lao động tuyển được người giỏi, phù hợp với đặc thù từng trường để nâng cao chất lượng giáo dục.
Nằm trong trong số hai trường Trung học phổ thông đầu tiên triển khai chủ trương tự chủ tuyển dụng nhân sự, ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, khi đó, nhà trường được chủ động trong tuyển dụng nhân sự phù hợp với nhu cầu thực tế thay vì chờ Sở phân công giáo viên về trường. Thực tế, nhiều năm qua, việc tuyển dụng nhân sự thông qua Sở, dù đội ngũ giáo viên rất chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học nhưng vẫn khó đạt được các điều kiện như mong muốn của nhà trường.
Đánh giá cao chủ trương giao quyền tuyển dụng nhân sự cho các trường Trung học phổ thông, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong cho rằng, mỗi loại trường có đặc thù riêng nên chủ trương giao quyền tự chủ tuyển nhân sự cho hiệu trưởng mỗi trường là rất phù hợp.
Ngay như trước đây, khi ông còn công tác tại trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, giáo viên được Sở tuyển rất kỹ, đều là những sinh viên giỏi ở các trường Sư phạm nhưng khi đi vào thực tế công việc lại không đáp ứng được yêu cầu do trường có những đặc thù riêng.
Như vậy, chủ trương tự chủ này sẽ giải quyết được bài toán cân bằng giữa cung và cầu đội ngũ nhà giáo, đơn vị cần tiêu chí nào thì lựa chọn giáo viên mạnh về tiêu chí đó.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc giao quyền tự chủ trong tuyển dụng viên chức giúp các trường tuyển người có năng lực phù hợp với thực tế khi hiểu rõ nhu cầu của mình.
Các đơn vị tự tính toán số người làm việc theo quy định, được tuyển chọn nhân sự và hợp đồng lao động trên cơ sở đảm bảo định biên hiện có và số vị trí việc làm phát sinh để đơn vị đảm bảo hoạt động.
Để làm tốt công tác này, Sở tập huấn và làm công tác tư tưởng với hiệu trưởng nhà trường, để hiệu trưởng hiểu trách nhiệm đặt quyền lợi của nhà trường lên trên hết.
Từ nhiều năm trước Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã phân cấp tuyển dụng, thực hiện tự chủ nhân sự tại một số đơn vị trực thuộc như các trường nghề, trường chuyên biệt...
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Sơn cho rằng khó khăn lớn nhất trong thực hiện tự chủ nhân sự là một số chức danh thực sự cần thiết trong nhà trường như giám thị, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý… chưa được quy định trong vị trí việc làm nên không có định biên để tuyển dụng.
[Tự chủ đại học gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình]
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Trách nhiệm tuyển dụng thuộc về hiệu trưởng, đi đôi với đó là mọi quyền lực đều nằm trong tay hiệu trưởng, điều này khiến nhiều người lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra trong quá trình tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Thành phố Hồ Chí Minh, khi triển khai chủ trương này vào thực tế cũng phải có giải pháp để tránh tiêu cực xảy ra trong quá trình tuyển dụng; như tuyển dựa trên mối quan hệ cá nhân hoặc “chạy” bằng nhiều cách mà không coi trọng chất lượng đội ngũ, đội ngũ khi được tuyển dụng không đảm bảo yêu cầu.
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cần giám sát chặt chẽ quá trình tuyển dụng. Hơn hết, cần nâng cao trách nhiệm của người hiệu trưởng đối với công việc của mình, vì sự nghiệp giáo dục.
Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Việt - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, khi được giao quyền tuyển dụng cũng đồng thời hiệu trưởng phải chịu mọi trách nhiệm về kết quả tuyển dụng viên chức, khi đó trách nhiệm của người hiệu trưởng là không nhỏ nếu để xảy ra sai phạm.
Ý thức được điều này, người hiệu trưởng luôn nâng cao trách nhiệm và phải đặt quyền lợi của nhà trường lên trên hết. Hơn nữa, việc tuyển dụng luôn có sự đánh giá của Hội đồng Sư phạm toàn trường nên khó có khả năng xảy ra tiêu cực.
Ở góc độ khác, một hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại thành phố cho rằng, việc tự chủ nhân sự là hướng đi đúng nhưng hiện nay mới chỉ dừng ở việc tự chủ tuyển dụng, chứ chưa tự chủ trong việc chi trả lương cho giáo viên. Đó cũng là một rào cản để thu hút được người giỏi.
Ngành giáo dục thành phố cũng cần nghiên cứu lộ trình xã hội hóa giáo dục, từng bước giao quyền tự chủ tài chính cho các trường. Khi đó, việc phân loại giáo viên cần được thực hiện nghiêm túc, khoa học hơn để có cơ chế đãi ngộ xứng đáng với giá trị, công sức người thầy bỏ ra, tạo động lực cho người thầy phải tự làm mới bản thân, tích cực đổi mới, sáng tạo.
Trao đổi về vấn này, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang xây dựng đề án trình Ủy ban Nhân dân thành phố về giao quyền tự chủ tài chính cho các trường, trong đó giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận.
Chủ trương tự chủ tuyển dụng nhân sự trong các trường Trung học phổ thông được đánh giá là phù hợp với xu thế chung khi giúp các trường tìm được những giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc thù từng trường đảm bảo được yêu cầu phát triển của trường.
Tuy nhiên, để chủ trương này triển khai đạt kết quả tốt, công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát việc tuyển dụng cần được coi trọng. Quan trọng nhất vẫn là đạo đức, tư duy của người lãnh đạo, hướng đến mục tiêu chung, vì sự phát triển của ngành giáo dục./.