Tự chủ đại học: Bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục

Hơn 900 đại biểu đại diện Quốc hội, các bộ, ban, ngành và các trường đại học trên cả nước đã cùng thảo luận để cùng tháo gỡ những khó khăn của việc triển khai tự chủ đại học.
Tự chủ đại học: Bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục ảnh 1Hội nghị thu hút sự tham gia của trên 900 đại biểu. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Hôm nay, 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Những kết quả ấn tượng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trường đại học hoạt động với tính tự chủ tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết tự chủ đại học được coi là một đột phá chiến lược, kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học. Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, hiện đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ. Tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Tự chủ đại học: Bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Về tài chính, đến thời điểm hiện tại, 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ năm 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ. 

Về khoa học và công nghệ, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm. 

Về đảm bảo chất lượng, tính đến ngày 28/2/2022, cả hệ thống có 274 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 174 cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 591 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá; 470 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, trong đó có 308 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Một số cơ sở giáo dục đại học đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong nhóm 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

Nhận diện lực cản 'níu chân' tự chủ đại học

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện tự chủ vẫn tồn tại những trở ngại, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các luật, hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục; hạn chế trong chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước. 

Tự chủ đại học: Bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục ảnh 3Tự chủ đại học đã thúc đấy sự phát triển của các trường đại học. (Ảnh minh họa: Đại học Việt Pháp)

Các cơ sở đào tạo cũng gặp những vướng mắc về hành lang pháp lý, khó khăn cho việc triển khai khoa học công nghệ tại đơn vị cũng như sự lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hạn chế của hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; hạn chế về phân cấp, phân quyền và thực hiện quy chế dân chủ của các trường…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Những khó khăn này do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ đến thói quen cũ, tư duy cũ.

[PTT Vũ Đức Đam: Cần mạnh dạn tháo gỡ khó khăn trong tự chủ đại học]

Theo đó, thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động tự chủ đại học được kỳ vọng sẽ là dẫn dắt hành trình bứt phá của giáo dục đại học. Trong 5 năm tới, giai đoạn 2022-2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước.

Các hoạt động cụ thể gồm thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học; rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan; hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước đối với giáo dục đại học….

Đặc biệt, mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển… Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong giai đoạn tới, cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách (thông qua chế độ chi đầu tư theo Luật ngân sách Nhà nước hoặc giao vốn theo Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước), chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục đại học mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư Nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục