Ngày 18/1, tại xã Tân Thái, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Dự án được xây dựng trên diện tích 859m2, gồm các hạng mục: Nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống; Nhà dạy học làm báo hai tầng, được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu và một số hạng mục khác như tường rào, cổng, nhà bảo vệ... Dự án do Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, cùng với sự hình thành, phát triển của Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái tạo nên tổng thể hài hòa về văn hóa và du lịch.
Dự án phấn đấu hoàn thiện, đưa vào sử dụng hướng tới kỷ niệm 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/2024) và 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2025).
Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/4/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói súng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong vòng 3 tháng, Trường đào tạo được một khóa học ngắn hạn cho hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước.
Lớp học được hơn 30 giảng viên trực tiếp giảng dạy là các đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, phong phú về lý luận như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Tuân...
Năm 2019, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Dịp này, Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) trao tặng 900 suất quà Tết trị giá 500 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện Đại Từ./.