"Từ bỏ toàn cầu hóa sẽ gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ"

Việc đảo ngược toàn cầu hóa chuỗi cung ứng và loại bỏ mối liên kết với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ với các công ty Trung Quốc.
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên tạp chí Harvard Business Review mới đây, các công ty đa quốc gia của Mỹ đều nhận thức rõ rằng việc đảo ngược toàn cầu hóa chuỗi cung ứng và loại bỏ mối liên kết với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của họ tại Mỹ, cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này với các công ty Trung Quốc trong dài hạn.

Bài viết trên đánh giá mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên làn sóng đảo ngược toàn cầu hóa, song các nền tảng cơ bản trong nền kinh tế toàn cầu hóa của Mỹ - và vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế này - sẽ không thay đổi.

Bài viết chỉ ra rằng các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ dựa vào hoạt động và quy mô bán hàng trên toàn cầu để vượt lên trước các đối thủ nước ngoài.

Những ngành công nghiệp của Mỹ có cán cân thương mại tích cực với Trung Quốc là những ngành có giá trị gia tăng cao và Trung Quốc cũng sở hữu thị trường lớn nhất thế giới cho các ngành công nghiệp này.

Chẳng hạn, đối với Apple, vị thế dẫn đầu của tập đoàn này sẽ sụp đổ nếu dừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

[Chuyển khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Âu, Mỹ sẽ mất 1.000 tỷ USD]

Theo nội dung bài viết, việc đảo ngược toàn cầu hóa sẽ không đưa các nhà máy trở lại nước Mỹ, khi sản phẩm của hầu hết các công ty liên kết nước ngoài của Mỹ được bán tại nơi chúng được sản xuất.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nhanh chóng toàn cầu hóa các ngành công nghiệp trong nước với việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như sản xuất điện, thiết bị xây dựng và viễn thông, nhằm cung cấp cho các dự án nước ngoài theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường" và đầu tư vào các hoạt động ở thị trường nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục