Bíttết tartare làm từ thịt bò sống là một món khai vị thường thấy ở hầu hết các quán rượu ở Pháp. Đây là một món ăn phổ biến không kém bíttết rán và ốc sên.
Và một điều thú vị khác đó là Italy cũng có một món ăn tương tự, được gọi tên là carpaccio. Hai món ăn này thoạt nhìn khá giống nhau nhưng vẫn có sự khác biệt về hương vị.
Có nhiều giả thuyết về món ăn độc đáo này, nhưng giả thuyết phổ biến nhất cho rằng nó dựa theo l'Américaine, một món ăn chịu ảnh hưởng của Mỹ được phục vụ tại Paris vào khoảng những năm 1900.
Các giả thuyết khác cho rằng cái tên này bắt nguồn từ bộ lạc Tartar của người Mông Cổ, nơi có nhân vật nổi tiếng toàn thế giới Thành Cát Tư Hãn.
Đặc điểm chung của cả hai món ăn là đều được làm từ thịt bò băm nhỏ. Thịt càng ít mỡ càng tốt, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng thịt, bởi nó sẽ được thưởng thức ở trạng thái thịt còn sống.
Nếu bạn chưa từng được thưởng thức món ăn đặc biệt này ở hai quốc gia châu Âu trên, hãy đọc bài viết này để phân biệt được liệu bạn đang ăn bíttết tartar tại một quán rượu cổ kính kiểu Pháp hay tại một nhà hàng của Italy.
Bíttết tartare kiểu Pháp được làm như thế nào
Bíttết tartaret kiểu Pháp cổ điển gồm thịt bò được băm nhỏ, băm bằng tay chứ không phải xay bằng máy. Thịt được sử dụng thường là thịt bò thăn hoặc bíttết đầu tròn, đều là thịt nạc và có vị đậm đà.
Đầu bếp thường thực hiện món ăn ngay trên bàn của thực khách. Các đầu bếp sẽ chuẩn bị một loại hỗn hợp gồm một lòng đỏ trứng cùng các loại sốt gồm mù tạt Dijon, sốt Worrouershire và nước cốt chanh trộn đều trong một cái bát.
[Thịt bò nướng ống tre - món ăn được ưa thích trong thực đơn tiệc tùng]
Một hỗn hợp khác gồm hẹ thái hạt lựu, nụ bạch hoa, rau mùi tây và ngô, trộn đều cùng muối và hạt tiêu.
Món ăn được phục vụ với nhiều hình thức khác nhau. Đầu bếp có thể trộn đều các hỗn hợp vào thịt cho khách, hoặc bày các nguyên liệu xung quanh phần thịt. Hoặc thịt được dàn trên đĩa với tất cả nguyên liệu phủ lên trên bề mặt.
Tuy nhiên, hình thức phục vụ cổ điển nhất vẫn là tạo hình thịt bò thành một hình trụ tròn nhỏ và đặt một lòng đỏ trứng sống lên trên.
Tất cả bát đĩa đều được cho vào ngăn đá để đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh khi phục vụ thực khách.
Bíttết tartare kiểu Pháp thường ăn kèm với bánh mỳ nướng. Một số biến thể khác có thể bao gồm nước sốt nóng và thậm chí cả sốt cà chua.
Bíttết tartare kiểu Italy được làm như thế nào?
Ở vùng Piedmont phía bắc Italy, việc chế biến món bíttết tartare (được gọi là carpaccio hay carne cruda all'abese) đơn giản hơn nhưng không vì thế mà kém hương vị.
Người Italy tăng độ ngọt cho thịt bằng hai nguyên liệu là phomai Parmigiano-Reggiano bào và/hoặc nấm cục trắng.
Vùng đất này nổi tiếng với sản vật nấm cục màu trắng. Và việc rắc một chút thứ đặc sản đắt tiền này lên thịt thường là công đoạn cuối cùng của món ăn.
Nước sốt của bíttết tartare của Italy không cầu kỳ như của Pháp. Họ thường chỉ dùng dầu ôliu nguyên chất, nước cốt chanh tươi, muối và hạt tiêu, cùng một chút tỏi.
Nước sốt được trộn đều với thịt và nặn thành những miếng hình tròn nhỏ và mỏng hơn của Pháp.
Và thay vì trang trí bằng lòng đỏ trứng sống, họ cạo phomai parmesan với nấm cục trắng, đôi khi là hạt phỉ hoặc các loại nấm khác lên bề mặt thịt. Thay vì bánh mỳ nướng, họ ăn cùng rau xà lách rocket, cải xoong hoặc các loại rau xanh lá mỏng khác.
Món thịt lợn sống độc đáo tại Việt Nam
Đặc biệt, ở Việt Nam cũng có một món ăn có hình dáng tương tự, một món ăn thường xuất hiện trong những bữa cỗ lớn tại Thái Bình, được gọi là nem chạo Vị Thủy.
Điểm khác biệt lớn ở đây là thịt được sử dụng là thịt lợn. Không phải là thăn hay vai, phần xương sống của con lợn, sau khi lọc ra vẫn còn thịt dính xung quanh, sẽ được băm thật nhuyễn thành một hỗn hợp vừa mịn dẻo, hơi dính, lại vừa hơi có chút lợn cợn của xương.
Sau đó thịt được trộn thêm các loại gia vị như nước mắm Diêm Điền, tỏi tía, cốt chanh, đường trắng, mỳ chính, hạt tiêu, ớt tươi và đặc biệt không thể thiếu bì lợn luộc thái nhỏ trộn thính gạo cho đến khi hòa quyện và nắm thành những nắm thịt nhỏ bày lên đĩa.
Món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi thời gian, công sức và sự khéo léo không hề thua kém so với các món bíttết tartare của nước ngoài.
Và đây cũng là một minh chứng cho thấy văn hóa dù riêng biệt nhưng vẫn có sự giao thoa ở nơi đâu đó, đủ để chúng ta đôi lúc giật mình khi bắt gặp hình bóng quen thuộc của món ăn quê hương tại một nền văn hóa khác./.