Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến mực 5.000m cùng với tác động của không khí lạnh, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ngày 8/2 có mưa vừa, mưa to và dông.
Từ đêm 8/2 đến ngày 9/2, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 40-100mm/đợt, riêng khu Tây Bắc, Việt Bắc từ 70-120mm, có nơi trên 140mm/đợt. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm/đợt, có nơi trên 60mm/đợt.
Do mưa lớn, từ ngày 8-9/2, các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ, đặc biệt các sông suối nhỏ trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao và sông Lô có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông còn dưới báo động 1.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
[Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ vùng núi Bắc Bộ]
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo còn nhiều khó khăn trong công tác dự báo lũ ống, lũ quét ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực vùng núi Bắc Bộ do đặc thù về địa hình bị chia cắt.
Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, các số liệu đo mưa phải được cung cấp để người dân nắm bắt được và sẵn sàng cho việc ứng phó. Lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... để di chuyển kịp thời đến nơi an toàn./.