Từ 2018, các nước vùng Vịnh không còn là những “thiên đường thuế”

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm thu nhập từ dầu mỏ, sáu quốc gia vùng Vịnh sẽ ban hành thuế giá trị gia tăng (VAT), qua đó chấm dứt hàng thập kỷ nơi này được xem là những “thiên đường thuế."
Ảnh minh họa. (Nguồn: Gulf Times)

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm thu nhập từ dầu mỏ, sáu quốc gia vùng Vịnh sẽ ban hành thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm tới, qua đó chấm dứt hàng thập kỷ nơi này được xem là những “thiên đường thuế.” 

Công ty kế toán và tư vấn Deloitte đã ca ngợi động thái này là khởi đầu cho những thay đổi to lớn và có tầm ảnh hưởng đối với kinh tế-xã hội ở các nước vùng Vịnh kể từ khi khám phá ra dầu mỏ hơn nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc ban hành thuế VAT cũng được dự đoán sẽ đẩy giá ở khu vực này lên cao.

Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mới đây vừa tăng gấp đôi giá thuốc lá và nâng giá nước giải khát thêm 50% trước khi thuế VAT được áp dụng với nhiều hàng hóa và dịch vụ từ ngày 1/1/2018. UAE là một trong sáu nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhất trí ban hành thuế VAT ở mức 5% vào năm tới, trong bối cảnh nước này đang tìm cách vực dậy nền kinh tế.

[Tỷ phú Mỹ Latinh trở thành khách sộp của các "thiên đường thuế"]

UAE và Saudi Arabia cho biết sẽ áp dụng thuế VAT từ ngày 1/1 tới, trong khi các nước GCC khác là Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar được dự đoán sẽ thực hiện trong năm 2018.

Theo thỏa thuận giữa các nước GCC, một số hàng hóa và dịch vụ sẽ được miễn thuế VAT. Chuyên gia Bryan Plamondon của HIS Markit Economics cho biết thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như năng lượng tái tạo, nước, giao thông và công nghệ có thể sẽ được hưởng ưu đãi. Ông Plamondon dự đoán nguồn thuế VAT thu về ước đạt 7-21 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,5-1,5% GDP. Còn IMF lại cho rằng nguồn thu từ thuế VAT có thể lên đến khoảng 2% GDP, song tỷ lệ lạm phát cũng sẽ tăng theo.

Các nền kinh tế ở vùng Vịnh, khu vực có nhiều quốc gia xuất khẩu dầu và khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi tình trạng dư cung toàn cầu đã khiến giá dầu sụt giảm từ năm 2014. Bảng cân đối kế toán của các nước vùng Vịnh vẫn trong trạng thái lỗ bất chấp những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất, như “đóng băng” lương, phúc lợi và những dự án do nhà nước cấp vốn, cắt giảm trợ cấp, và nâng giá điện và nhiên liệu. Chính phủ các nước trong khu vực cũng đã rút hàng trăm tỷ USD từ các quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ của mình nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục