Từ 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất cây trồng biến đổi gen

Việt Nam hướng tới sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất năm 2015 và đến năm 2020 phát triển thêm diện tích trồng các giống cây trồng biến đổi gen lên khoảng 30-50%.
Điểm thu mua ngô tại Sơn La. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất năm 2015 và đến năm 2020 phát triển thêm diện tích trồng các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30-50% trong tổng diện tích giống cây trồng trong ngành.

Đó là một trong những nội dung chính vừa được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến tình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng nay (26/9), tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư-tiến sỹ Lê Đình Lượng, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng, cây trồng biến đổi gen là một trong những công nghệ mới giúp tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân và được khẳng định là một trong những thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại.

Hiện tại, cây trồng biến đổi gen đang là lựa chọn canh tác của khoảng 18 triệu nông dân trên thế giới. Trong 17 năm qua, diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen đã tăng hơn 100 lần, từ  1,7 triệu ha vào năm 1996 lên trên 175 triệu ha vào năm 2013.  

Cũng theo Giáo sư-tiến sỹ Lê Đình Lượng, năm 2012, các giống cây trồng biến đổi gen đã được trồng ở 29 nước (21 nước đang phát triển và 8 nước phát triển) và cây trồng biến đổi gen ngày càng được phát triển rộng rãi trên cơ sở rằng thực phẩm bắt nguồn từ các cây trồng biến đổi gen có tính an toàn đối với sức khỏe của con người như những thực phẩm truyền thống khác.

“Ngoài ra, các cây trồng giống biến đổi gen còn đưa lại nhiều lợi ích cho môi trường nhờ các tính chất kháng sâu bệnh, hạn chế giảm thiểu các tác động của thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất nhờ đó mà mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân,” Giáo sư-tiến sỹ Lê Đình Lượng khẳng định.

Đặc biệt, mới đây, sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen và Bộ Tài nguyên Môi trường cấp Giấy Chứng nhận An toàn sinh học cho một số giống cây biến đổi gen đầu tiên được xem là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hành lang pháp lý, hiện thực hóa chủ trương đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác trong năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục