Từ ngày 1/9/2021, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Thông tư này là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất nông nghiệp.
Cụ thể, theo Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, có 6 trường hợp đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất.
Trường hợp thứ nhất là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định về đất đai đang sử dụng do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho theo quy định của pháp luật, được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó.
Thứ hai là đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; khoản 1 Điều 54 của Luật Đất đai năm 2013...
[Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để chặn đứng các sai phạm do quản lý]
Trường hợp thứ ba là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, đủ điều kiện được bồi thường về đất, được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận.
Tiếp đó là đất do hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất của nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Trường hợp thứ năm là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Thứ sáu là đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất.
Riêng trường hợp hộ gia đình, cá nhận sử dụng đất bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dung mà việc thu hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp hỗ trợ khác, đảm bảo phù hợp với pháp luật.
Về kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, Khoản 3 Điều 8 Thông tư 09 quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và người sử dụng có đơn đề nghị thu hồi phần diện tích đó thì Nhà nước xem xét, quyết định thu hồi.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất còn lại phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư./.