Từ 1/7: Tăng lương hưu và trợ cấp BHXH cao nhất từ trước đến nay

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý.
Người dân nhận tiền tại điểm chi trả Nhà văn hóa khu dân cư số 3A-3B Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng 15%. Khi đề xuất này được thông qua sẽ là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý.

Mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động.

Theo Điều 57 Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành quy định: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm Xã hội”. Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức trên 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần). Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Tỷ lệ tăng này đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.

3,3 triệu người sẽ được tăng lương hưu tăng

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu được tăng 15% lần này, bao gồm tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... Với mức điều chỉnh như vậy, Quỹ bảo hiểm xã hội tuy còn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo cân đối trong dài hạn.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với lộ trình điều chỉnh tiền lương giữa các khu vực, đảm bảo hài hòa, công bằng giữa người hưởng lương khu vực Nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, người hưởng lương hưu với người lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Trong điều kiện doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dự kiến mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 01/07/2024.

Với mức điều chỉnh lương hưu lần này, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho rằng “trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu đồng thời Chính phủ cũng dự kiến điều chỉnh tăng mức trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng là 35,72%”.

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, người thụ hưởng hiện rất vui mừng, phấn khởi. Những năm qua, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, mỗi kì điều chỉnh, mức tăng các các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều.

Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này chủ động, sẵn sàng ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, lên các phương án cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin… nhằm đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng một cách kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục