Từ 1/4, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2023

Đơn vị điều tra gồm 64 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có hoạt động hạch toán toàn ngành (bao gồm 3 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng).
Từ 1/4, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2023 ảnh 1Công nhân làm đồ chơi trẻ em bằng gỗ tại Công ty Gỗ Đức Thành. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Từ ngày 1/4, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành điều tra doanh nghiệp trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hình thức trực tuyến.

Đơn vị điều tra gồm 64 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có hoạt động hạch toán toàn ngành (bao gồm 3 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng).

Cụ thể, điều tra doanh nghiệp năm 2023 được tiến hành đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018) trừ ba ngành (do đối tượng điều tra không phát sinh trong các ngành này): ngành O - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; Ngành U - Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế; ngành T - Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình.

[Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2022 có những điểm gì mới?]

Đơn vị điều tra gồm doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã/Liên hiệp hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết điều tra doanh nghiệp năm 2023 là cuộc điều tra thực hiện điều tra toàn bộ (áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về thông tin định danh, ngành nghề sản xuất kinh doanh, lao động, kết quả sản xuất kinh doanh) kết hợp với điều tra chọn mẫu (áp dụng đối với các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra nhằm mục đích mở rộng nội dung điều tra, phục vụ tính các chỉ tiêu chuyên ngành, giúp nâng cao chất lượng điều tra nhất là đối với các câu hỏi phức tạp, chuyên sâu).

Theo Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu, khi tiến hành Điều tra doanh nghiệp năm 2023 cần bảo đảm các yêu cầu: thực hiện đúng các nội dung quy định trong Phương án điều tra.

Phạm vi, nội dung điều tra phải đầy đủ, thống nhất và không trùng chéo với các điều tra khác; bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê; quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc điều tra đúng chế độ hiện hành, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước; đảm bảo tính so sánh quốc tế.

Tổng cục Thống kê cho biết thời điểm điều tra được tiến hành vào ngày 1/4.

Các chỉ tiêu thu thập theo thời điểm điều tra được quy định cụ thể trong từng phiếu điều tra.

Thời kỳ thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu năm 2022.

Các chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ như kết quả sản xuất kinh doanh, vốn đầu tư thực hiện, sản lượng sản phẩm sản xuất và một số chỉ tiêu khác.

Do tính chất quy mô không giống nhau nên các địa phương trong cả nước có thời gian tiến hành điều tra khác nhau. Đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tiến hành từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7.

Đối với các tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp từ 5.000 doanh nghiệp trở lên, thời gian tiến hành từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; Các tỉnh, thành phố còn lại, thời gian tiến hành từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/5.

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 thu thập các thông tin sau: thông tin định danh của đơn vị điều tra; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình doanh nghiệp; cơ sở trực thuộc của doanh nghiệp; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: Số lao động; thu nhập của người lao động.

Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu cho biết thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh gồm: Kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư; sản lượng sản xuất của sản phẩm; tiêu dùng năng lượng; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ của doanh nghiệp.

Dự kiến kết quả chính thức của cuộc điều tra sẽ được công bố vào quý 2/2024.

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 được tiến hành theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2023 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành.

Cuộc điều tra được tiến hành nhằm thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế-xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2022, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.

Kết quả từ điều tra doanh nghiệp năm 2023 cũng được dùng để biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2023" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2023;” đồng thời, cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục