Trong dòng chảy lịch sử của mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tự hào về những đóng góp đáng kể thông qua sự hợp tác bền chặt, nghĩa tình với Thông tấn xã Pathet Lào (KPL).
“Mối quan hệ và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Thông tấn xã Pathet Lào và Thông tấn xã Việt Nam trong thời gian qua, nhất là việc TTXVN giúp cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và vốn kinh nghiệm vô giá để KPL có thể tự mình tiếp tục phát triển những bước tiếp theo được vững chắc hơn, làm cho mối quan hệ hợp tác trở thành tấm gương tốt và hiếm có trên thế giới,” ông Vanthoong Phonchannhuong, nguyên Tổng Giám đốc KPL, đánh giá về mối quan hệ giữa hai hãng thông tấn quốc gia.
Như anh em một nhà
Những ngày này, khi nhân dân Lào anh em sôi nổi kỷ niệm 45 năm Quốc khánh (2/12/1975-2/12/2020) thì nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp (nay đã sát ngưỡng tuổi 80) cũng cảm thấy hân hoan về những thành tựu đạt được ở một đất nước mà ông coi như quê hương thứ hai, cũng như xen lẫn sự bồi hồi xúc động về những năm tháng công tác đồng cam, cộng khổ với các đồng chí, đồng đội ở “miền đất Triệu Voi."
“Đang đam mê săn tin, ảnh về sản xuất và sẵn sàng chiến đấu tại tuyến lửa Khu IV thì bỗng tôi nhận được quyết định của lãnh đạo cơ quan gọi về Hà Nội. Ông Lê Lâm, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ lúc bấy giờ, hỏi: "Nghiệp vừa được kết nạp Đảng tại Nghệ An, nghiệp vụ vững. Cơ quan muốn cử Nghiệp sang Lào, cùng anh em bên đó để giúp Thông tấn xã Lào vừa ra đời ngày 6/1/1968, còn nhiều khó khăn. Nghiệp đi chứ?” - nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp kể về câu chuyện đã đưa ông trở thành một phần của lịch sử của mối quan hệ hiếm có giữa hai hãng thông tấn quốc gia.
“Sau ít ngày học chính trị, học tiếng Lào tại địa điểm tuyệt mật 'nội bất xuất, ngoại bất nhập' ở Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ (Hà Nội ngày nay), tôi được bố trí lên chiếc xe GAT ngụy trang như một lùm cây, khởi hành trong đêm tối, vượt cửa khẩu Na Mèo, sang bên kia biên giới, điều mà tôi chưa một lần nghĩ tới. Cơ duyên xếp đặt, cuộc đời từ đây tôi gắn bó với cán bộ, nhân dân Lào anh em tình nghĩa” - nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp chia sẻ.
Câu chuyện cơ duyên của nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp dường như là mẫu số chung với hầu hết các chuyên gia của TTXVN được cử sang giúp nước bạn Lào.
[75 năm TTXVN: Lớp học 'đặc biệt, có một không hai' với cán bộ TTX Lào]
Từ đại bản doanh Phu Khe, Sầm Nưa (Samnuea) đến văn phòng ở Viên Chăn, lịch sử hợp tác, giúp đỡ của các chuyên gia TTXVN đối với KPL trải qua nhiều giai đoạn.
Ngay sau thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), giữa hoàn cảnh cảnh còn khó khăn, thiếu thốn mọi bề, TTXVN ở thời kỳ đó với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã cử nhiều cán bộ, phóng viên, chuyên gia sang vùng giải phóng Lào đưa tin, chụp ảnh, mở lớp đào tạo cán bộ tuyên truyền, đặt nền móng cho báo chí cách mạng Lào và sự hình thành của hãng thông tấn quốc gia của Lào.
Trong thời kỳ Thông tấn xã Lào chưa được thành lập, VNTTX đã cử hàng chục phóng viên, biên tập viên tin-ảnh, kỹ sư sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Thông tin do phóng viên VNTTX thực hiện từ các mặt trận và các vùng giải phóng của Lào được gửi về khu căn cứ Trung ương của cách mạng Lào để phục vụ công tác lãnh đạo các lực lượng kháng chiến.
Ngày 6/1/1968, Khaosan Pathet Lào (Thông tấn xã Lào - KPL) ra đời, trong điều kiện chiến tranh cực kỳ gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình,” với sự giúp đỡ về mọi mặt của VNTTX, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, ngay từ buổi đầu KPL đã có một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, từ các bộ phận tin, ảnh, kỹ thuật thu phát tin, kỹ thuật buồng tối, phiên dịch, đánh máy… để đảm bảo nhiệm vụ chính trị. VNTTX đã cử nhiều phóng viên tin, ảnh, nhân viên kỹ thuật sang đại bản doanh Phu Khe giúp bạn.
“Có thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá nhiều ngày liên tiếp, đỉnh núi Phu Khe bị bạt đi một phần. Nhưng với sự giúp đỡ của chuyên gia VNTTX, cánh sóng của KPL được truyền tin trong nước và quốc tế, không một phiên đứt đoạn…,” nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp nhớ lại.
Khi cách mạng Lào bước vào giai đoạn mới, VNTTX thành lập Phòng công tác C, trực thuộc Bộ biên tập, tham mưu cho lãnh đạo cơ quan về chủ trương, đường lối giúp KPL; biên tập tin, bài về Lào, làm bản tin đối ngoại KPL; là đầu mối của VNTTX phối hợp với các cơ quan của Việt Nam trong công tác giúp Lào; chắp nối với các ban, phòng trong cơ quan làm nhiệm vụ mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên KPL…
Là một thành viên của Phòng Công tác C, nhà báo lão thành Nguyễn Quốc Uy, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng làm việc ở Phòng C: “Tôi về công tác tại Tổ tiếng Anh của Phòng C từ giữa năm 1972. Đồng chí Phạm Văn Chinh dịch tin KPL bằng chữ Lào đã La tinh hóa (được phát từ Phu Khe về Hà Nội) ra tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt tin tức của KPL được biên tập, rồi được cung cấp cho Tổ tiếng Anh làm tin đối ngoại KPL, đồng thời được chuyển cho Ban biên tập tin Thế giới của TTXVN để thông tin về tình hình Lào.”
Bản tin đối ngoại tiếng Anh của KPL khi đó bình quân chỉ có từ 7 đến 10 tin mỗi ngày, với dung lượng khoảng 3-4 trang A4 (những khi chiến sự rộ lên với các chiến dịch lớn hoặc có những sự kiện quan trọng thì bản tin có thể dài hơn, có hôm tới hàng chục trang), nhưng đã trở thành một kênh thông tin đối ngoại quan trọng của cách mạng Lào, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Mặt trận Lào Yêu nước và các lực lượng kháng chiến Lào.
Nhà báo Nguyễn Quốc Uy kể lại toàn bộ Ban lãnh đạo TTXVN là "bộ chỉ huy" chỉ đạo công tác giúp Lào trong thời kỳ chiến tranh. Tổng Biên tập Đào Tùng và các Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân, Hoàng Tư Trai, Lê Chân, Đỗ Phượng không chỉ đề ra chủ trương, đường hướng thực hiện nhiệm vụ quốc tế của VNTTX ở Lào mà còn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc "công tác C’ với tinh thần luôn ưu tiên đối với các bạn Lào.
Khi nói về các chuyên gia TTXVN làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, ông Bunteng Vongsay, nguyên Tổng giám đốc KPL, nhấn mạnh: “Đồng cam cộng khổ với sự nghiệp cách mạng của chúng tôi, họ cùng chúng tôi trải qua những ngày tháng gian khổ màn trời chiếu đất. Họ đã giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, gia đình chúng tôi như những người anh em ruột. Họ thương yêu và giúp đỡ chúng tôi tận tình với tình cảm đồng chí thật sự, chịu mọi hy sinh với sự nghiệp cách mạng Lào.”
Tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt TTXVN-KPL
Sau năm 1975, đất nước Lào sạch bóng giặc ngoại xâm, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời. Từ chiến khu Viang Xai-Samneua, KPL chuyển về thủ đô Vientiane. Quan hệ hợp tác giữa TTXVN và KPL bước sang giai đoạn mới, cùng hợp tác và phát triển.
Về nguyên tắc, quan hệ giữa TTXVN và KPL chuyển sang giai đoạn mới - cùng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, dựa trên nền tảng của mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào.
TTXVN vẫn tiếp tục dành cho KPL sự giúp đỡ hết lòng về nhiều mặt, tinh thần vô tư, trong sáng trên cơ sở Thỏa thuận về hợp tác nghiệp vụ được ký kết giữa hai hãng thông tấn qua từng giai đoạn.
Theo yêu cầu của bạn, TTXVN tiếp tục cử chuyên gia giỏi tiếng Anh thay nhau sang làm chuyên gia hiệu đính bản tin tiếng Anh trong nhiều năm. Tiếp đó TTXVN giúp KPL nâng cấp hệ thống kỹ thuật, trong đó có dự án “Nâng cấp hệ thống thông tin của KPL” theo hướng hiện đại, đưa vào sử dụng từ tháng 12/2005.
Khi Thông tấn xã Lào chuyển địa điểm về trụ sở mới, Trung tâm Kỹ thuật thông tấn đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đồng nghiệp Lào, triển khai đề án hỗ trợ trang thiết bị mới, gồm nhiều hạng mục: cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị mạng máy tính, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống thiết bị an toàn thông tin và hệ thống nguồn UPS. Xây dựng một trường quay tương đối hiện đại được trang bị đồng bộ các thiết bị phục vụ sản xuất thông tin thời sự truyền hình.
Tháng 11/2018, TTXVN chính thức bàn giao trang thiết bị trường quay cho KPL. Việc triển khai tổng thể đề án này đã tạo cơ sở vững chắc về hạ tầng kỹ thuật, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin của KPL.
Tại các cuộc hội đàm, lãnh đạo hai hãng vui mừng nhận thấy nhiều dự án hợp tác thiết thực đã được triển khai hiệu quả trên các lĩnh vực trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, hợp tác xuất bản, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn nghiệp vụ…., góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai hãng thông tấn quốc gia.
Về lĩnh vực thông tin, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ, hai hãng đẩy mạnh việc trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai hãng cũng thường xuyên duy trì hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của KPL đã trực tiếp làm việc, tập huấn tại các đơn vị của TTXVN. Thông qua việc trao đổi nghiệp vụ, hướng dẫn thực hành, các cán bộ trẻ của hai hãng cũng ngày một gắn bó nhau hơn.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa hai hãng Thông tấn quốc gia Việt-Lào hiện tại và thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Chi hội hữu nghị Việt Nam-Lào TTXVN Đinh Đăng Quang khẳng định phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn, thời gian tới, hai hãng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về quan hệ hữu nghị vĩ đại đặc biệt Việt-Lào.
TTXVN trong khả năng của mình sẽ duy trì hỗ trợ KPL trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông mới... nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động của KPL trong kỷ nguyên công nghệ số.
“Trong hơn 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế khu vực và thế giới mà TTXVN hiện có quan hệ hợp tác, mối quan hệ với hãng thông tấn KPL là biểu trưng của mối quan hệ hợp tác sâu đậm, tình nghĩa, thủy chung. Mối quan hệ không chỉ được gây dựng trên cơ sở tình hữu nghị láng giềng truyền thống, mà còn được gây dựng từ biết bao mồ hôi, xương máu của nhân dân hai nước, sẽ được các thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên TTXVN và KPL tiếp tục kế thừa, phát huy, góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào,” Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đinh Đăng Quang nhấn mạnh./.