TTXVN vào Ban chấp hành OANA, RapNews đoạt giải chất lượng

Đề cử của TTXVN - sản phẩm RapNewsPlus, kết hợp tin tức và nhạc rap, đứng thứ hai trong Giải thưởng Chất lượng thông tấn của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương năm 2016.
Đại diện hãng thông tấn AZERTAC của Azerbaijan được bầu làm Chủ tịch OANA. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 18/11, lãnh đạo các hãng thông tấn thành viên của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) tham dự Đại Hội đồng OANA lần thứ 16 tại Baku, Azerbaijan, đã tập trung thảo luận các biện pháp giải quyết thách thức của truyền thông hiện đại.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch OANA, Tổng Giám đốc Hãng thông tấn TASS của Liên bang Nga, ông Sergei Mikhaylov, khẳng định trong 3 năm qua, các hãng thông tấn thành viên OANA đã có nhiều nỗ lực trong việc hiện đại hóa website chung, đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook và Google+; tổ chức vinh danh các sáng kiến, giải pháp đổi mới và phát triển của các hãng thành viên với việc trao Giải thưởng OANA xuất sắc về chất lượng thông tấn; xây dựng và thông qua Quy tắc Hướng dẫn về tác nghiệp và biên tập.

Tham luận của các đại biểu tập trung vào các chủ đề mà các hãng thông tấn nói riêng và báo chí nói chung đang đối mặt như trí tuệ nhân tạo và báo chí truyền thống: hợp tác hay cạnh tranh, cách thức các hãng thông tấn giải quyết thách thức của truyền thông hiện đại và hợp tác giữa các hãng thông tấn trong việc phản ánh các sự kiện toàn cầu.

Trong tham luận của mình, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, khẳng định các hãng thông tấn đang chịu ảnh hưởng và bị chi phối mạnh mẽ bởi công nghệ, dẫn đến sự thay đổi của quy trình tác nghiệp, phương thức cung cấp thông tin tới khách hàng và cách thức mà công chúng tiếp cận thông tin trong kỷ nguyên số. Việc thích ứng kịp thời và đón đầu các xu hướng truyền thông mới là nhiệm vụ sống còn của các hãng thông tấn hiện nay. Đây là một quá trình đòi hỏi một nguồn lực to lớn để tổ chức lại sản xuất, bố trí lại nhân lực, đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

Thực tế cho thấy để vượt qua thách thức trong bối cảnh hiện nay thì mỗi hãng thông tấn phải có khả năng phục vụ khách hàng ở mọi lúc và mọi nơi. Thị hiếu và cách tiếp cận thông tin của các tổ chức báo chí và công chúng đã thay đổi, vì vậy phương thức phát hành nội dung của các hãng thông tấn không thể chỉ là đơn tuyến mà phải được thực hiện trên các kênh đa phương tiện và đa nền tảng.

Các ý kiến phát biểu tại Đại Hội đồng khẳng định OANA đã và đang có những điều chỉnh ở tầm chiến lược để thích ứng với yêu cầu mới đặt ra trong kỷ nguyên công nghệ số và các thành viên cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phát triển để hợp tác và phát triển.

Đại Hội đồng đã tiến hành bầu Ban Chấp hành, Chủ tịch, và Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2016-2019. Theo đó, 12 thành viên Ban Chấp hành của OANA trong 3 năm tới là AA của Thổ Nhĩ Kỳ, AAP của Australia, AZERTAC của Azerbaijan, Bernama của Malaysia, BNA của Bahrain; IRNA của Iran; Kyodo của Nhật Bản, NNA của Lebanon; PTI của Ấn Độ; TASS của Nga, Thông tấn xã Việt Nam, Tân Hoa xã của Trung Quốc, và Yonhap của Hàn Quốc.

Phiên họp Đại hội đồng OANA lần thứ 16 tại Baku, Azerbaijan. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện Hãng thông tấn của Azerbaijan (AZERTAC) được bầu làm Chủ tịch, đại diện các hãng thông tấn TASS, AA, Tân Hoa xã, Yonhap được bầu làm Phó Chủ tịch OANA.

Trên cương vị Chủ tịch OANA nhiệm kỳ 2016-2019, Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Azerbaijan, ông Aslan Aslanov, cam kết sẽ tiếp tục cùng các thành viên để tiếp tục giữ vững vai trò của OANA là một tổ chức báo chí khu vực có uy tín và hiệu quả trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ Đại Hội đồng lần thứ 16, OANA đã tổ chức trao Giải thưởng Chất lượng thông tấn của OANA năm 2016. Giải thưởng năm 2016 thuộc về Hệ thống Tự động kiểm soát chất lượng thông tin của TASS.

Đề cử của TTXVN - sản phẩm RapNewsPlus, kết hợp tin tức và nhạc rap, đứng thứ hai và đề cử về Hệ thống Đánh giá sử dụng thông tin của hãng thông tấn Anadolu (AA) của Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ ba.

Số RapNewsPlus đầu tiên ra đời vào ngày 12/11/2013.

OANA được thành lập năm 1961 theo sáng kiến của UNESCO với mục tiêu đảm bảo trao đổi thông tin trực tiếp và tự do giữa các hãng thông tấn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực phát triển năng động, chiếm tới hơn 50% dân số toàn cầu. Hiện 43 hãng thông tấn của 35 nước là thành viên của OANA, cung cấp khoảng 70% thông tin lưu hành trên thế giới mỗi ngày.

Trước đó, trong hai ngày 16 và 17/11/2016, tại Baku, Azerbaijan, đã diễn ra Đại hội các hãng thông tấn toàn thế giới (NAWC) lần thứ 5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục