TTXVN và Bộ Ngoại giao luôn đồng hành trong thông tin tuyên truyền đối ngoại

TTXVN và Bộ Ngoại giao là hai cơ quan luôn đồng hành trong nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại, góp phần triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang và lãnh đạo TTXVN tại buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 11/11, tại trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc làm việc với Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2025-2028.

Phát biểu tại cuộc làm việc, bà Vũ Việt Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TTXVN thay mặt Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới các đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách Trưởng đại diện các Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại địa bàn ngoài nước.

Bà Vũ Việt Trang khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa TTXVN và Bộ Ngoại giao nói chung, cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan thường trú ngoài nước của TTXVN với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, luôn hết sức gắn bó, hai bên cùng hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành ngoại giao cũng như của ngành thông tấn.

Chia sẻ về sự phối hợp giữa hai cơ quan, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho rằng TTXVN và Bộ Ngoại giao là hai cơ quan luôn đồng hành trong nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại, góp phần triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi đối với các phóng viên thường trú của TTXVN, vì các cơ quan đại diện ngoại giao luôn đánh giá cao vai trò của hoạt động truyền thông.

Về phần mình, TTXVN, cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, luôn nỗ lực để lan tỏa thông tin về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở nước ngoài do TTXVN và các phóng viên thường trú ngoài nước thực hiện, trong đó có hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; công tác bảo hộ công dân; phản ánh cuộc sống, tình cảm với quê hương của cộng đồng bà con Việt kiều…; đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới; truyền tải kịp thời tình hình nước sở tại cùng những vấn đề liên quan đến Việt Nam về trong nước; đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam.

TTXVN hiện có đội ngũ nhân sự khoảng 2.000 người, trong đó có 927 phóng viên, biên tập viên.

Tính đến ngày 8/11/2024, số phóng viên của TTXVN có mặt tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước là 79 người, có 1 cơ quan thường trú chỉ có 1 phóng viên; 9 cơ quan thường trú có 2 phóng viên; 20 cơ quan thường trú còn lại có 3 phóng viên.

TTXVN cũng là cơ quan có số lượng cơ quan thường trú ở nước ngoài nhiều nhất trong số các cơ quan truyền thông của Việt Nam. Vì vậy, nguồn thông tin từ hệ thống cơ quan thường trú nước ngoài của TTXVN rất quan trọng, cung cấp cho hệ thống báo chí trong nước và quốc tế nguồn thông tin chuẩn xác, nhanh nhạy, kịp thời, đa dạng, bằng các loại hình: Thông tin văn bản, thông tin điện tử (TTXVN có 16 trang thông tin/báo điện tử), ảnh thời sự/chuyên đề, thông tin truyền hình…

TTXVN sản xuất khoảng 60 sản phẩm thông tin bằng tiếng Việt và 9 thứ tiếng nước ngoài (gồm: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Lào, Khmer, Triều Tiên, Nhật Bản).

Hiện TTXVN là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia. Bên cạnh đó, TTXVN xuất bản sách và các chuyên đề tham khảo. Nhiều ấn phẩm có giá trị, được đánh giá cao về tuyên truyền đối ngoại như Việt Nam - Đổi mới; 54 dân tộc Việt Nam; sách về các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các sự kiện trọng đại của đất nước.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Mới đây, TTXVN đã xuất bản sách “Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.” Tác giả cuốn sách là một nhà văn người Hàn Quốc, ông đã tổng hợp được rất nhiều tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư.

Đây là cuốn sách đầu tiên của một người nước ngoài viết về cố Tổng Bí thư, vì vậy được xuất bản sau khi có sự thẩm định rất kỹ của Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao...

“Để đáp ứng yêu cầu cao về thông tin như vậy, trong khi số lượng định biên phóng viên ở ngoài nước không nhiều, các phóng viên của TTXVN đều tác nghiệp với phương thức đa năng thực hiện đồng thời cả 3 loại hình: Vừa làm tin, chụp ảnh, vừa ghi hình làm tin video. Đây là sự cố gắng rất lớn của các phóng viên TTXVN thường trú ngoài nước, nhất là ở những địa bàn có chất lượng đường truyền Internet kém như ở Cuba hay những địa bàn chiến sự như ở Trung Đông… Nhưng cũng chính tại một số địa bàn khó khăn này, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ rất có hiệu quả của đồng chí Đại sứ và cơ quan Đại sứ quán,” bà Vũ Việt Trang chia sẻ.

Với sự thông hiểu địa bàn và mạng lưới chuyên gia, học giả, các phóng viên thường trú của TTXVN còn thực hiện nhiệm vụ báo cáo; tổng hợp nhận định, dư luận nước ngoài về tình hình Việt Nam, các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ của Việt Nam với các nước; những kinh nghiệm tham chiếu của các nước trong một số vấn đề Việt Nam cũng đang rất quan tâm.

Một số cơ quan thường trú ngoài nước đã có những báo cáo giá trị, giúp lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhận định, đánh giá tình hình chính xác; phục vụ công tác hoạch định chính sách; không để bị động, bất ngờ trước các tình huống phát sinh.

Điển hình là tuyến thông tin ghi nhận ý kiến của chuyên gia, học giả nước ngoài về các cuốn sách, bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá cao bởi những đánh giá, bình luận sâu sắc.

Thông qua các cơ quan thường trú ngoài nước làm đầu mối, TTXVN và các cơ quan Đại sứ quán cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày ảnh về quan hệ Việt Nam với các nước; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân các dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn trong thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước, cũng như các ngày lễ trọng của Việt Nam như kỷ niệm thành lập Đảng, Quốc khánh…

Trước nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, trước tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, sự phối hợp giữa TTXVN và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được tăng cường hơn nữa để phù hợp với xu thế phát triển trên mọi lĩnh vực của tình hình thế giới, đặc biệt trước sự bùng nổ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc làm việc giữa Thông tấn xã Việt Nam với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Để làm tốt sứ mệnh của mình, kịp thời truyền tải đến công chúng trong và ngoài nước những quan điểm đối ngoại của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…, Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang kiến nghị: TTXVN đã được xác định là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia. Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, TTXVN đề nghị nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc lan tỏa các sản phẩm báo chí đối ngoại của TTXVN gồm Báo điện tử Vietnam Plus, Báo ảnh Việt Nam, Báo Vietnamnews, báo Le Courrier du Vietnam để tăng lượng tiếp cận của công chúng nước ngoài và bà con Việt kiều, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối ngoại.

TTXVN cũng đã có một trang thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng tiếng Việt, tiếng Anh tại địa chỉ: https://happyvietnam.vnanet.vn. Bên cạnh đó, TTXVN sản xuất hàng nghìn đồ họa mỗi năm, tóm tắt những nội dung văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công tác nhân sự, các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế tại địa chỉ https://infographics.vn.

Tổng giám đốc TTXVN cũng đề nghị gắn các đường link của các trang thông tin/báo điện tử của TTXVN trên các trang web của các cơ quan đại diện; phối hợp chặt chẽ để thống nhất quan điểm trong vấn đề thông tin, đảm bảo thông tin đúng định hướng, đúng chủ trương thông tin; các đồng chí trưởng Cơ quan đại diện dành thời gian trả lời các cuộc trả lời phỏng vấn để các phóng viên TTXVN làm tin/chụp ảnh/ghi hình, nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng như các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam và khi xuất hiện các vấn đề quan trọng liên quan đến Việt Nam; các Cơ quan đại diện Việt Nam hỗ trợ phóng viên TTXVN từ địa bàn khác sang địa bàn phụ trách để tác nghiệp hoặc phối hợp với các phóng viên tại địa bàn phụ trách để thực hiện thông tin.

Trong một số trường hợp không có phóng viên của TTXVN, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam thực hiện thông tin và gửi trực tiếp về cho đầu mối của TTXVN là Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại qua các địa chỉ liên hệ.

TTXVN sẵn sàng phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các sự kiện trưng bày, triển lãm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và thành tựu kinh tế của Việt Nam tại địa bàn cũng như quan hệ Việt Nam với các nước.

Hiện, vấn đề bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch cũng như an toàn thông tin… đang là những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí chủ lực.

TTXVN cũng rất mong nhận được những thông tin chính thống từ các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đối với những vấn đề nhạy cảm an ninh chính trị liên quan đến Việt Nam, góp phần ổn định dư luận trước những luồng thông tin trái chiều.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng niều năm qua, dù môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức… dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam vẫn nắm bắt được thời cơ thuận lợi và đạt được nhiều thành tựu lớn. Trong đó, công tác đối ngoại được lãnh đạo cấp cao đánh giá là “điểm sáng,” đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử…

Góp phần vào những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin đối ngoại, trong đó có sự tham gia tích cực, chuyên nghiệp và bài bản của lực lượng thông tấn báo chí, phát thanh và truyền hình. Nhờ vậy, những thành tựu của Việt Nam cũng như hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, độc lập, ổn định, phát triển được truyền tải rộng rãi trên khắp các nền tảng truyền thông.

Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Với vị trí là Cơ quan Thông tấn Quốc gia, tổ hợp truyền thông lớn đa phương tiện, đa nền tảng, đa dạng sản phẩm, đa nhiệm vụ, đa ngôn ngữ uy tín của đất nước, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực…, TTXVN đóng vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần định hướng dư luận xã hội.

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, dòng thông tin chủ lưu, chính thống của TTXVN có vai trò, ảnh hưởng rất lớn tới dư luận, giúp tăng cường sự đồng thuận xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

“Hoạt động của TTXVN và hệ thống các cơ quan thường trú trực thuộc TTXVN đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới cũng góp phần giới thiệu và quảng bá về Việt Nam, giúp gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và các nước; là sợi dây kết nối thông tin tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để bà con ta luôn gắn kết và hướng về quê hương, đất nước,” Thứ trưởng Phạm Thanh Bình khẳng định.

Tại cuộc làm việc, hai bên đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, đề xuất của các đại biểu về công tác phối hợp trong hoạt động của các cơ quan thường trú ngoài nước TTXVN và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục