TTXVN tiếp tục đề án phát triển báo in, báo điện tử đối ngoại quốc gia

Thủ tướng đồng ý đề xuất của TTXVN về việc tiếp tục triển khai đề án phát triển báo đối ngoại quốc gia trong năm 2021 và yêu cầu TTXVN khẩn trương hoàn thiện Đề án chi tiết giai đoạn 2022-2030.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành văn bản số 733/TTg-KGVX về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/20217 liên quan đến đề án phát triển báo đối ngoại quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Thông tấn xã Việt Nam về việc trong năm 2021 tiếp tục thực hiện “Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam” theo Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/20217 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án chi tiết giai đoạn 2022-2030 và báo cáo Thủ tướng, trong đó lưu ý bảo đảm hiệu quả; đúng quy định pháp luật; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Theo Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2030, Thông tấn xã Việt Nam phát triển thêm các ngữ mới: Tiếng Pháp, tiếng Khmer và tiếng Nga trên Báo ảnh Việt Nam (bản in); tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc và tiếng Đức trên Báo điện tử VietnamPlus.

[Thông tấn xã Việt Nam giữ vững vị thế thông tin chủ lực của quốc gia]

Các báo in cơ bản chuyển sang phát hành dưới dạng điện tử (e-paper), tiếp tục đẩy mạnh các trang thông tin điện tử; mở rộng địa bàn truy cập của các báo đến các khu vực trọng điểm trên thế giới, các nước lớn với lượng truy cập tăng cao hơn giai đoạn trước.

Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là Thông tấn xã Việt Nam phải nâng cao số lượng và chất lượng thông tin đối ngoại, thông tin kịp thời, có sức thuyết phục về tình hình đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng và tăng cường số lượng, chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, nhu cầu của từng nước và theo lĩnh vực để thu hút độc giả; tăng cường sử dụng chuyên gia nước ngoài có chuyên môn, trình độ ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch và tăng lượng thông tin đối ngoại viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài để phù hợp văn phong, ngôn ngữ và hấp dẫn độc giả; tăng cường sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ số, bao gồm cả cung cấp thông tin lên các trang mạng xã hội để thu hút độc giả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục