TTXVN bình chọn 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2020

Đại dịch COVID-19 hoành hành và cuộc bầu cử Tổng thống bất thường nhất trong lịch sử Mỹ là hai trong số các sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2020.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xin trân trọng giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2020 do TTXVN bình chọn:

1. Đại dịch COVID-19 hoành hành, gây khủng hoảng trên toàn cầu

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới.

Cho đến nay, đã có hơn 79,5 triệu người nhiễm bệnh COVID-19 và hơn 1,7 triệu người tử vong. Đại dịch đã đẩy nhiều quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.

Đại dịch tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế-xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới.”

"Cuộc đua" tìm kiếm và phát triển vắcxin ngừa COVID-19 đã đạt tiến triển đáng kể, một số nước bắt đầu chiến dịch tiêm cho người dân. Tuy nhiên, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở châu Âu vào những ngày cuối năm.

2. Cuộc bầu cử Tổng thống bất thường trong lịch sử Mỹ

Cuộc đua diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát nhưng gần 160 triệu cử tri Mỹ, một con số kỷ lục từ trước tới nay, đã tham gia bỏ phiếu dưới nhiều hình thức.

Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Ông Joe Biden (trái) và bà Kamala Harris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng với đó, bà Kamala Harris cũng trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của nước này.

Những tranh cãi dai dẳng và cuộc chiến pháp lý sau ngày bầu cử 3/11 đã khoét sâu sự chia rẽ, bất đồng trên chính trường và xã hội Mỹ.

Quá trình chuyển giao quyền lực không thuận lợi cũng cản trở nỗ lực chống đại dịch trong bối cảnh Mỹ là nước có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

3. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15/11, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

RCEP là hiệp định toàn diện và chất lượng cao, mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế thế giới đang suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

4. Kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020.

Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản khắp thế giới, đặc biệt trong ngành hàng không, du lịch và bán lẻ.

Vạch kẻ trong siêu thị ở Berlin, Đức theo quy định về giãn cách xã hội khi dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường toàn cầu đã có những phiên dao động đi vào lịch sử như: giá dầu ngọt nhẹ New York xuống mức thấp chưa từng có âm 40 USD/thùng, giá vàng lần đầu vượt 2.000 USD/ounce, nhiều thị trường chứng khoán kích hoạt cơ chế “ngắt tự động” để ngăn đà rơi tự do.

Các nước đã tung các gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD cùng các biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ nền kinh tế.

5. Israel bình thường hóa quan hệ với bốn quốc gia Arab

Trong vòng bốn tháng, Israel lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với bốn nước Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc, tạo ra một cục diện địa chính trị mới tại khu vực Trung Đông.

Các đại diện của Maroc và Israel tại lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở Rabat, Maroc ngày 22/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, những thỏa thuận này cũng bị chỉ trích là đi ngược lại chính sách của Liên đoàn Arab luôn gắn vấn đề bình thường hóa quan hệ với Israel với việc thành lập Nhà nước Palestine.

Bên cạnh đó, Trung Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn sau vụ Mỹ không kích giết hại tướng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Iran Qasem Soleimani và vụ tấn công ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh.

6. Làn sóng biểu tình và bạo lực liên quan tới sắc tộc, tôn giáo

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ sau vụ cảnh sát lạm dụng bạo lực gây ra cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới.

Phong trào xuống đường đòi "quyền sống cho người da màu" diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố của Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Nam Phi, Thái Lan... với hàng trăm nghìn người tham gia.

Nhiều cuộc biểu tình tại Mỹ biến thành bạo loạn, gây ra cuộc khủng hoảng sắc tộc nghiêm trọng.

Người biểu tình tuần hành tại Montreal, Canada, phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu Mỹ George Floyd. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng biểu tình tại các nước Hồi giáo đòi tẩy chay hàng hóa Pháp bùng lên sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ủng hộ tiếp tục đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

Giáo viên người Pháp Samuel Paty đã bị một đối tượng Hồi giáo cực đoạn sát hại dã man ngày 16/10 do cho học sinh xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

7. Tái bùng phát xung đột vũ trang ở Nagorny-Karabakh

Đụng độ quân sự giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh tái bùng phát và leo thang, kéo dài hơn một tháng khiến hàng nghìn người thương vong, đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực Kavkaz.

Cảnh đổ nát do xung đột giữa lực lượng Armenia với binh sĩ Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: DPA/TTXVN)

Sau ít nhất ba thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ, ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Nagorny-Karabakh.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh trong khuôn khổ hoạt động gìn giữ hòa bình chung, mở đường để các bên xung đột tìm kiếm giải pháp bền vững cho vấn đề này.

8. EU và Anh chính thức đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Anh và EU đạt thỏa thuận lịch sử xác định quan hệ thương mại hậu Brexit: Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24/12, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc ngày 31/12/2020.

Cờ Liên minh châu Âu bay gần Tháp Elizabeth ở London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “chia tay” trong hỗn loạn,  đảm bảo dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.

Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

9. Nhiều quốc gia tìm cách "quản lý" chặt các công ty công nghệ lớn

Các nền tảng công nghệ có hàng tỷ người dùng như Facebook, Google, Twitter liên tục bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng.

Hàng loạt công ty lớn đã tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook và Twitter nhằm gây áp lực với các nền tảng này trong vấn đề chống thông tin xấu độc.

Biểu tượng của Facebook và Twitter. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Twitter và Facebook cũng đối mặt với hàng loạt cáo buộc làm lộ thông tin người dùng, vi phạm chính sách bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh.

Australia, Pháp yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho việc đăng tải tin tức lấy từ báo chí trong nước.

Với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Australia... đã cấm các ứng dụng di động TikTok, WeChat...

10. Huyền thoại bóng đá Maradona qua đời đột ngột

Maradona - một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại - đã đột ngột qua đời vào ngày 25/11/2020 ở tuổi 60.

Sau sự ra đi của ông, Argentina tổ chức lễ quốc tang trong 3 ngày với hàng vạn người đến viếng, nhiều hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh Maradona diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Người hâm mộ bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của huyền thoại bóng đá Diego Maradona. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc biệt, Argentina quyết định đổi tên Cúp Liên đoàn Chuyên nghiệp Argentina thành Cúp Diego Armando Maradona; Thành phố Napoli (Italy) đổi tên sân vận động San Paolo thành Diego Maradona.

Năm 2000, Maradona đã được trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20 của FIFA cùng với Vua bóng đá Pele (Brazil).

Mặc dù cuộc sống riêng luôn là đề tài gây tranh cãi, nhưng với tài năng, sự cống hiến và khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, Maradona đã giành được tình cảm của nhiều thế hệ người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục