Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 19/11 đã nhấn mạnh vai trò của hòa giải trong việc duy trì hòa bình và an ninh, đồng thời nêu rõ tiến trình hòa giải cần linh hoạt phù hợp với tính chất xung đột đang thay đổi.
Phát biểu tại phiên tranh luận mở của Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Guterres cho rằng việc hòa giải thành công góp phần ngăn chặn nguy cơ tái diễn xung đột, xây dựng xã hội hòa bình, tự cường và thịnh vượng.
Theo Tổng Thư ký, các tiến trình hòa giải đóng một vai trò quan trọng, hóa giải những khác biệt dân tộc, tôn giáo và chính trị, đồng thời tạo cơ hội để người dân được sống trong hòa bình. Bên cạnh đó, hòa giải cũng giúp hàn gắn rạn nứt do thiếu lòng tin giữa nhà nước và nhân dân.
Đây là một tiến trình mà thông qua đó các xã hội có thể vượt qua quá khứ chia rẽ để hướng tới một tương lai chia sẻ.
[Liên hợp quốc gia hạn sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Darfur]
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cần phát triển khái niệm hòa giải phù hợp với bản chất xung đột đang thay đổi, có thể không bó hẹp trong phạm trù liên quan trực tiếp đến chiến tranh.
Khi tình trạng bất bình đẳng xã hội, kinh tế và chính trị ngày càng gia tăng, do tác động từ khủng hoảng khí hậu và các công nghệ mới, tiến trình hòa giải cần phải thích ứng với những thay đổi như vậy thông qua tính bao quát sâu rộng và toàn diện hơn trước đây.
Hòa giải cũng cần tạo được tác động ở cấp độ cá nhân, giữa các cá nhân với nhau, cũng như ở cấp độ thể chế và chính trị-xã hội.
Theo Tổng Thư ký, cải cách xã hội và kinh tế cũng có thể đóng một vai trò trung tâm trong việc hòa giải.
Ngoài ra, ông chỉ ra rằng các tiến trình hòa giải cần đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất, phải dựa vào các cộng đồng và xã hội chịu tác động bởi xung đột. Thứ hai, tiến trình hòa giải thành công cần hóa giải được nỗi đau khổ của các nạn nhân, thấu hiểu động cơ của những người lầm lỗi, thực thi công lý và đảm bảo sự thật.
Tổng Thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc đang nỗ lực triển khai các chương trình hòa giải theo những sáng kiến khôi phục và kiến tạo hòa bình tại nhiều quốc gia trên thế giới./.