Liên hợp quốc không có lựa chọn nào ngoài việc duy trì đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực biên giới và những khu vực chiến tuyến ở Syria. Đây là nội dung trong báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an đang thảo luận về việc tiếp tục sứ mệnh trên sau khi sứ mệnh kết thúc vào ngày 10/1 tới.
Hiện nay hàng cứu trợ cho hàng triệu người ở Syria được vận chuyển qua 4 cửa ngõ, gồm 2 từ Thổ Nhĩ Kỳ, 1 từ Jordan và 1 từ Iraq. Hội đồng Bảo an đang cân nhắc mở thêm cửa ngõ thứ 5 tại Tel Abyad ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp miền Bắc Syria, theo dự thảo nghị quyết do Đức, Bỉ và Kuwait đưa ra. Bước đi này nhằm giải quyết nhu cầu cứu trợ vô cùng lớn phát sinh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm nay mở chiến dịch tấn công qua biên giới Syria nhằm đẩy lui Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh.
Dự thảo cũng đề xuất gia hạn thêm 1 năm sứ mệnh viện trợ qua các cửa khẩu nói trên. Tuy nhiên, Nga cho rằng chỉ nên gia hạn hoạt động này thêm 6 tháng. Ngoài ra, các quan chức ngoại giao cho biết Moskva đã gửi tới Hội đồng Bảo an một dự thảo thay thế, trong đó đề xuất đóng cửa 2 cửa khẩu hiện tại, gồm cửa khẩu al-Yarubiya giữa Syria và Iraq cùng cửa khẩu al-Ramtha trên biên giới Jordan.
[Syria: Không kích vào chợ, ít nhất 10 dân thường thiệt mạng]
Nga đề xuất đóng các cửa khẩu này với lý do tình hình thực địa đang thay đổi khi chính quyền Syria đã giành lại lãnh thổ từ các tay súng nổi dậy và những phần tử khủng bố.
Cách tiếp cận trên của Moskva khá khác biệt so với mong muốn của Tổng Thư ký Guterres nêu trong báo cáo gửi tới Hội đồng Bảo an gần đây.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng, để phân phối viện trợ nhân đạo, việc vận chuyển hàng viện trợ qua biên giới và các chiến tuyến là tuyệt đối cần thiết.
Tổng Thư ký Guterres nêu rõ hàng viện trợ nhân đạo của các cơ quan Liên hợp quốc bao gồm thực phẩm dành cho khoảng 4,3 triệu người mỗi tháng và hơn 1,3 triệu liều thuốc chữa bệnh cùng các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Syria. Hoạt động viện trợ xuyên biên giới vẫn tiếp tục là một phần quan trọng trong công cuộc hỗ trợ hơn 11 triệu người có nhu cầu cứu trợ.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), hơn 370.000 người đã thiệt mạng, hơn 13 triệu người phải rời bỏ nhà cửa hoặc rơi vào cảnh sống tha hương, nền kinh tế bị kéo lùi lại hàng chục thập kỷ, thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Đây là những hệ lụy do cuộc nội chiến đã kéo dài 8 năm tại Syria./.