Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước là một giải pháp trong nhiều giải pháp mà ngành Ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% dành cho các khách hàng của Chính phủ sẽ được ngành ngân hàng triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Các ngân hàng đang tích cực vào cuộc, triển khai nhanh Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Chương trình này là một trong nhiều giải pháp mà ngành ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
[Hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng kiến nghị được nới room tín dụng]
Theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong hai phương thức là giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số tiền vay được hỗ trợ lãi suất; hoặc ngân hàng có thể thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.
Về xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đăng ký kế hoạch hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước cho cả 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 và 2023 lớn hơn 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại.
- Việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Thực tế cũng có những băn khoăn về rủi ro trong việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này. Cần phải khẳng định hoạt động ngân hàng luôn có rủi ro nhưng hỗ trợ lãi suất có rủi ro khác là rủi ro cho cán bộ tín dụng trong việc xác định sai đối tượng. Đây là điều các ngân hàng rất quan ngại. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức quán triệt Thông tư 03/2022/TT-NHNN, thực hiện nghị quyết của Chính phủ thì các ngân hàng quyết tâm thể hiện rõ phương án triển khai gói hỗ trợ.
Để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tư hướng dẫn hạch toán phần hỗ trợ lãi suất thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Thông tư 03, Nghị định 31. Các ngân hàng thương mại đều thể hiện quyết tâm qua phương án triển khai gói hỗ trợ này.
Được biết, BIDV cam kết sẽ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với chất lượng cao nhất, tiên phong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho mọi khách hàng đáp ứng điều kiện theo quy định. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng đang chỉ đạo tập trung rà soát toàn hệ thống, để xác định chính xác và đầy đủ số lượng khách hàng, khoản vay trong cả hai năm.
Agribank cũng đang khẩn trương rà soát lại đăng ký kế hoạch hỗ trợ đồng thời công khai, minh bạch đến khách hàng thuộc đối tượng và không thuộc đối tượng, đặc biệt rà soát ngay các khoản đã ký thoả thuận và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/5 ký thoả thuận bổ sung trong tháng 5/2022.
Đến thời điểm này, VietinBank đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất được thông suốt trong hệ thống. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình trong năm 2022-2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng.
Các ngân hàng khác đều đang nghiên cứu kỹ để tổ chức triển khai tại hệ thống, đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, minh bạch…
- Nguyên tắc của việc hỗ trợ lãi suất đối với các lĩnh vực này là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.
Để triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, các ngân hàng cũng đặt vấn đề tăng room tín dụng, bởi hiện room tín dụng đã gần hết. Việc này cho thấy nền kinh tế khởi sắc sau dịch COVID-19 và đang đà phát triển nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên. Nới room chắc chắn là cần thiết để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do vậy, chủ trương nới room phải trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng, linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời kiềm chế lạm phát trong bối cảnh vẫn chịu tác động bởi dịch COVID-19 và áp lực lạm phát là rất lớn.
Thời gian tới, căn cứ trên cơ sở đăng ký của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch phân bổ phù hợp, sao cho gói hỗ trợ được triển khai mang lại hiệu quả tích cực nhất đến với đúng các đối tượng theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!