Truyền thông về quyền con người cần thường xuyên, liên tục

Theo nhiều đại biểu dự hội thảo ngày 7/8, công tác truyền thông của Việt Nam về quyền con người thời gian qua chưa toàn diện, bài bản và chưa thường xuyên, liên tục.
Phổ cập giáo dục là một trong những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 7/8, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên tuyền về thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên địa bàn Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp.”

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Đình Luyện, Chánh văn phòng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ cho biết Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế và bảo đảm thực thi về nhân quyền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về quyền con người, nhất là xóa đói giảm nghèo, giáo dục phổ cập.

Riêng khu vực Tây Nam Bộ, Vụ địa phương III phối hợp cùng Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải quyết thấu tình đạt lý các yêu cầu nguyện vọng của người dân và những mâu thuẫn phát sinh trong xã hội… góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, do công tác thông tin tuyên truyền thúc đẩy về quyền con người có nơi chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức, cùng với đó là sự phát triển nhanh và khó kiểm soát của những thông tin xuyên tạc, kích động từ các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận cán bộ, nhân dân nhận thức chưa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người; tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên chậm được đẩy lùi đã tạo những nguồn dư luận tiêu cực về bảo đảm nhân quyền trong xã hội.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về các thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người.

Chín bài tham luận có chất lượng cao và 12 ý kiến thảo luận được trình bày tại hội thảo đã làm rõ các vấn đề về quyền con người như: khuôn khổ pháp luật về bảo đảm quyền con người ở Việt nam; thực trạng công tác tuyên truyền vấn đề quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, một số nhiện vụ thời gian tới; tình hình và công tác đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam; một số vấn đề cơ bản về lý luận, nhận thức, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về quyền con người; vấn đề quyền con người trong công tác thông tin đối ngoại - thực trạng và giải pháp.

Các tham luận đã đánh giá thẳng thắn làm rõ thực trạng, nguyên nhân những hạn chế trong nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người, góp phần khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người.

Nhiều năm qua, vấn đề quyền con người được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chú trọng quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế…

Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã thể hiện sự chuyển biến sâu sắc, một bước tiến lớn trong nhận thức của Đảng, Nhà nước về vấn đề nhân quyền. Song song với đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tích cực chú trọng tuyên truyền những chủ trương, chính sách, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực quyền con người.

Theo ông Hà Dũng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương, trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam đã bước đầu đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về những thành tựu đạt được của Việt Nam trên các lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Thông tin bằng tiếng nước ngoài được chú trọng hơn.

Trong 11 tháng đầu năm 2013, chỉ tính riêng Ban Tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện gần 40.000 tin, bài bằng 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Thông qua đó, các cơ quan báo chí đã chủ động và kịp thời cung cấp những thông tin trung thực, khách quan về những vấn đề, vụ việc mà các thế lực cơ hội, thù địch thường xuyên tìm cách xuyên tạc, vu cáo như chính sách dân tộc, tôn giáo của Việt Nam, tình hình nhân quyền trong nước… giúp bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, công tác truyền thông của Việt Nam về lĩnh vực quyền con người thời gian qua rất được chú trọng nhưng chưa toàn diện và bài bản, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Nhân quyền hiện nay là một giá trị phổ quát lớn của nhân loại được tất cả các nước trên thế giới hết sức quan tâm và đề cao, chúng ta cần phải nỗ lực nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức và nhận thức về vấn đề nhân quyền trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng truyền thông về quyền con người, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần cố gắng xuất bản các tài liệu hướng dẫn, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức về quyền con người đồng thời cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí về nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề bảo đảm quyền con người, cần có chiến lược truyền thông về con người.

Các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam cũng cần cố gắng cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về quyền con người. Việc truyền thông về quyền con người trên báo chí cần tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động và toàn diện, mang tính thuyết phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục