Truyền thông Trung Quốc như báo Thepaper, CRI, Sohu, Sina, Hiệp hội thương mại điện tử Quảng Đông, BWC... có nhiều tin, bài bình luận, đánh giá tích cực về thành tựu kinh tế của Việt Nam năm 2024 và triển vọng kinh tế đất nước năm 2025.
Truyền thông Trung Quốc đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,42% trong nửa đầu năm và dự kiến sẽ vượt 6,8% trong cả năm, có khả năng đạt 7%, mức tăng vượt kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và cũng cao hơn mức trung bình của những năm gần đây.
Theo truyền thông Trung Quốc, với bước tiến vững chắc năm 2024, Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng.
Đến năm 2025 và trong những năm tiếp theo, Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng kinh tế, có những đột phá và phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực.
Hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng tiếp tục được củng cố. Đồng thời, tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng sẽ trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Truyền thông Trung Quốc đánh giá Việt Nam đang tích cực thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp, cam kết chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động truyền thống sang các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.
Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, du lịch Việt Nam luôn là một trong những trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường du lịch toàn cầu dần phục hồi và các cơ sở du lịch Việt Nam liên tục được hoàn thiện, ngành du lịch Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ, thu hút nhiều du khách quốc tế.
Việt Nam đang tích cực phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập sâu rộng các công nghệ như Internet, Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) với nền kinh tế thực. Điều này sẽ tiếp thêm sức sống mới cho nền kinh tế Việt Nam, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế.
Theo truyền thông Trung Quốc, Việt Nam tích cực tham gia hợp tác quốc tế và hội nhập khu vực, tăng cường giao lưu kinh tế thương mại và giao lưu nhân dân với các nước láng giềng.
Với việc thúc đẩy sâu rộng các cơ chế hợp tác khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực hơn./.
Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam - "Cú hích" cho nền kinh tế
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực.