Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 16/7 đã đăng bài báo, trong đó chỉ trích Hàn Quốc phụ thuộc nặng nề vào Mỹ trong việc quyết định các vấn đề liên Triều, cho rằng triển vọng quan hệ liên Triều sẽ không sáng sủa nếu Seoul vẫn giữ nguyên lập trường này.
Bài báo nhấn mạnh nếu Hàn Quốc không thay đổi lập trường về việc "tuân theo sự dẫn dắt của các thế lực bên ngoài" trong mọi vấn đề, sẽ không có hy vọng về những ngày tươi sáng trong các mối quan hệ liên Triều.
Trước đó một ngày, trang web tuyên truyền Meari của Triều Tiên cũng đề nghị Hàn Quốc hoạch định chính sách liên Triều độc lập mà không có sự can dự từ bên ngoài.
Truyền thông Triều Tiên thường nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc tiến hành các dự án xuyên biên giới mà không lệ thuộc vào Mỹ, đề nghị Seoul đặt quan hệ liên Triều lên trên hết.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng hy vọng việc hợp tác tích cực xuyên biên giới có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ liên Triều, cũng như tạo điều kiện thúc đẩy triển vọng đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa.
[Hiệp định hòa bình liên Triều: "Lách luật" bằng cách nào?]
Tuy nhiên, các dự án hợp tác kinh tế chính giữa hai miền Triều Tiên, trong đó có việc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong, đã bị đình trệ do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên.
Cho đến nay, Washington vẫn giữ nguyên lập trường duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trước đó, ngày 15/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hy vọng cả Triều Tiên và Mỹ có thể “sáng tạo hơn chút ít” khi thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phát biểu trong chương trình phát thanh “The Sean Hannity Show," Ngoại trưởng Pompeo mong muốn Triều Tiên sẽ bước vào bàn đàm phán với những ý tưởng khác, trong khi Mỹ cũng sẽ có thêm "một chút sáng tạo."
Tuy nhiên, theo ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thay đổi quan điểm về việc Bình Nhưỡng cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng và đây cũng là nhiệm vụ của các cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Mỹ đã không đề cập tới thời điểm hai bên sẽ nối lại đàm phán.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, quan chức ngoại giao hàng đầu này của Mỹ cho rằng đàm phán Mỹ-Triều có thể diễn ra trong tháng này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 3 lần, và tiến hành hội nghị thượng đỉnh 2 lần liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận nào, tháng trước, Tổng thống Trump đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ), chia tách hai miền Triều Tiên. Trong cuộc gặp lần thứ 3 này, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ sang biên giới Triều Tiên.
Ông cho biết hai bên đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều chỉ mang tính giao tiếp, và hai bên dường như chưa thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề hạt nhân./.