Truyền thông Singapore: Ngành logistics của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi

Trang maritimefairtrade.org (Singapore) cho hay các chỉ số kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu đang phục hồi của Việt Nam đang là những động lực cho sự phục hồi của ngành logistics.
Tàu vận tải hàng hóa trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo trang maritimefairtrade.org (Singapore) ngày 30/11, giai đoạn phục hồi của ngành logistics bắt đầu từ quý 3/2023 với những chỉ dấu đáng chú ý. Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, song song với sự phục hồi dần dần của các hoạt động thương mại quốc tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn là chỉ dấu phản ánh đà phục hồi tích cực, đã bắt đầu phục hồi trong tháng 7/2023 và duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong tháng 9 và 10/2023.

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa tăng mạnh, ước đạt 1.888,3 triệu tấn. Đặc biệt, vận tải đường biển và đường bộ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lần lượt tăng 19,8% và 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Những số liệu này phản ánh đà phục hồi tích cực của ngành logistics, trong đó vận tải đường biển và đường bộ đang trở thành động lực phục hồi quan trọng.

Đầu tư hạ tầng cũng có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là ở các cảng biển với vai trò là trung tâm thương mại quốc tế trọng yếu trong bối cảnh các công ty vận tải biển lớn trên toàn cầu đang cân nhắc đầu tư vào các sáng kiến “siêu cảng” trị giá hàng tỷ USD.

Tính đến tháng 10/2023, Việt Nam có 296 cảng trên toàn quốc, với các cầu cảng trải dài khoảng 107 km, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000. Trong khi đó, vận tải đường bộ được thúc đẩy nhờ ngành thương mại điện tử non trẻ, chiếm khoảng 8,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tăng 13,3%.

Bốc dỡ hàng tại cảng Đình Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trang maritimefairtrade dẫn lời ông Hồ Sỹ Hoa, Trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn đầu tư tại công ty chứng khoán DNSE Securities, cho hay ngành logistics có tiềm năng trở thành một trong những ngành trọng điểm của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành logistics vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và EU dự kiến lần lượt là 1,5%, 4,2% và 1,2%. Dù chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đây vẫn là những chỉ dấu tích cực, nên tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng được dự báo tích cực trong năm 2024.

Chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ và EU giảm mạnh. Kỳ nghỉ lễ cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới của Việt Nam cũng được dự báo là sẽ thúc đẩy xuất khẩu dệt may, giày dép và nông sản.

Trong nước, GDP năm 2024 được dự báo ở mức 6,5% và lạm phát dự kiến sẽ ở trong khoảng từ 4-4,5%. Chính phủ Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương và dự kiến sẽ sớm ký thêm 3 hiệp định nữa. Theo rang maritimefairtrade, đây sẽ là một động lực nữa cho sự phục hồi của ngành logistics./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục