Hãng Sputnik (Nga) vừa có bài viết nhận định Việt Nam là ngôi sao mới nổi trong ngành bán dẫn toàn cầu, trong khi nhiều trang truyền thông nước ngoài khác như channelnewsasia.com (Singapore) hay báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cũng cho rằng Việt Nam đang được nhiều tập đoàn trong ngành bán dẫn quan tâm, tăng cường đầu tư.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm bán dẫn tiềm năng.
Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế như Samsung, Intel và LG để thiết lập các cơ sở sản xuất và nghiên cứu.
Thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã tiếp đón nhiều các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Apple, SpaceX, Qorvo, Marvell, Intel... đến nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và AI, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam.
Một số tập đoàn bán dẫn toàn cầu đã thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam để thiết kế chip cũng như lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip. Ông Steven Lim KT, Phó Chủ tịch dự án chiến lược tại Besi Việt Nam, khẳng định: “Một phần lý do chúng tôi ở đây cũng là vì chúng tôi đi theo khách hàng của mình.”
Sau khi Samsung Display xây dựng nhà máy OLED mới trị giá 2.400 tỷ won tại Việt Nam, các công ty đối tác của Samsung Electronics cũng đang đầu tư vào Việt Nam. Signetics, công ty bao bì bán dẫn của Hàn Quốc dự kiến đầu tư 100 triệu USD thành lập nhà máy sản xuất tại tỉnh Vĩnh Phúc. Infineon của Đức, công ty bán dẫn ôtô lớn nhất thế giới, cũng đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam kể từ năm 2023.
Cùng với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang dần được cải thiện và phát triển.
Theo hãng Sputnik, nhiều chuyên gia tin rằng việc các ông lớn FDI công nghệ có mặt tại Việt Nam đã góp phần củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hãng này dẫn lời bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) Đông Nam Á, phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội,” diễn ra sáng 3/12, tại Hà Nội, gọi Việt Nam là “ngôi sao mới nổi” trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu khi trong năm 2024, doanh thu của lĩnh vực này ước đạt 18,23 tỷ USD, tăng trưởng 11,48% so với cùng kỳ.
Chuyên gia đánh giá cao những chiến lược cụ thể tham vọng trong ngắn hạn cũng như dài hạn với 3 giai đoạn cho đến năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đề ra.
Trước đó, trang channelnewsasia.com (Singapore) cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn táo bạo để phát triển một hệ sinh thái bán dẫn quy mô lớn trong 25 năm tới, nhằm đào tạo ra ít nhất 4.000 kỹ sư mỗi năm.
Dù chậm hơn so với một số nước láng giềng trong khu vực như Malaysia trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng Việt Nam vẫn được nhiều tập đoàn trong ngành quan tâm chú ý. Các nhà thiết kế chip bán dẫn nổi tiếng như Intel và Amkor đã thành lập cơ sở tại Việt Nam, thu hút các nhân lực trẻ đầy tiềm năng.
Ông Kay Chai Ang của Hiệp hội ngành công nghiệp khu vực SEMI Đông Nam Á cho rằng Việt Nam đang nhanh chóng trở thành cường quốc bán dẫn ở Đông Nam Á và đang ở vị thế tốt để đóng góp vào mọi khâu trong chuỗi giá trị.
“Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn từ Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050 từ thiết kế mạch tích hợp, đến thử nghiệm lắp ráp và đóng gói”.
Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Isaac (Singapore) đánh giá rằng Việt Nam đứng trước cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang ngành công nghệ cao lấy chất bán dẫn làm trung tâm, phù hợp với xu hướng tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, từ đó có thể trở thành điểm lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối bán dẫn cho khu vực.
Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và gần Ấn Độ - hai thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ, Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này./.