Truyền thông Italy: Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực

Truyền thông Italy nhận định việc hoàn tất ký kết Hiệp định RCEP dưới sự chủ trì của Việt Nam trong năm nay sẽ củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Truyền thông Italy: Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực ảnh 1 Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH ITM Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Hãng tin Inter Press Service có trụ sở tại Rome (Italy) ngày 12/11 đăng bài nhận định năm 2020 là năm Việt Nam sẵn sàng đạt được những bước tiến để vươn lên trở thành nước dẫn đầu khu vực.

Theo hãng tin trên, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào tháng 1/2020 và đã chứng tỏ khả năng thích ứng trong bối cảnh những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Việc hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) dưới sự chủ trì của Việt Nam trong năm nay sẽ củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

[Báo Singapore: RCEP là tâm điểm của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37]

Trải qua 8 năm và hơn 30 vòng đàm phán, RCEP hứa hẹn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của 15 nước thời kỳ hậu COVID-19.

Chiếm 29% tổng GDP toàn cầu, các điều khoản của hiệp định thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của chuỗi giá trị khu vực và giảm đáng kể các rào cản pháp lý đối với đầu tư.

Sự tích cực của Việt Nam đối với RCEP đánh dấu sự chuyển mình để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và gắn kết quốc tế nhất trong khu vực.

RCEP có lẽ là nỗ lực rõ nét nhất của Việt Nam trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu bắt đầu từ giữa những năm 1990.

Sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

Việt Nam tránh chủ nghĩa bảo hộ và bắt đầu theo đuổi một số hiệp định thương mại tự do (FTA) từ năm 2005. Hiện Việt Nam đã có một số FTA với các nền kinh tế tiên tiến.

Không chỉ nổi lên với tư cách là bên tham gia các nỗ lực thương mại đa phương, Việt Nam còn là một trong những bên tích cực nhất trong việc đề xuất hội nhập thương mại khu vực.

Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của nhiều nước trong đó có Australia, New Zealand và Nhật Bản.

Vài tháng sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các thành viên còn lại gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Tại đây, các bộ trưởng đã tái khẳng định giá trị của TPP và thảo luận về cách thức hoàn thành TPP với 11 nước ký kết ban đầu.

RCEP tiếp tục thể hiện các nỗ lực của Việt Nam và sẽ đưa Việt Nam và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào vị trí thuận lợi để giải quyết các vấn đề kinh tế khu vực, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19, vốn ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Đông Nam Á.

Với việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Ngay cả trong tình huống bi quan nhất, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2020.

Khi Việt Nam trở lại đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, có lẽ là vào năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ đang trên lộ trình trở thành một trong những nền kinh tế lớn của khu vực, trong đó có sự đóng góp của RCEP.

Cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hậu COVID-19, RCEP sẽ nâng cao hơn nữa khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam, nhờ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển đầy hứa hẹn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục