Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy các công ty phải đối mặt với rủi ro ra sao khi chuỗi cung ứng phụ thuộc vào từng quốc gia đơn lẻ. Điều này đã khiến họ thay đổi quan điểm để tìm đến những quốc gia có điều kiện thuận lợi.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn bài báo trên trang Handelsblatt (Thương mại) của Đức ngày 13/8 cho biết trong định hướng tương lai, nhà sản xuất băng dính Tesa của Đức muốn mở rộng sản xuất và đã chọn miền Bắc Việt Nam để đầu tư khoảng 55 triệu euro (65 triệu USD) nhằm xây dựng một nhà máy rộng khoảng 70.000m2 cho hoạt động sản xuất, dự kiến từ năm 2023.
Không chỉ có Tesa, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất ở châu Á.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 càng đẩy mạnh hơn xu hướng này. Theo phân tích của công ty tư vấn BCG, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tiến sâu vào trung tâm toàn cầu hóa.
Kim ngạch thương mại của Đông Nam Á với châu Âu (cũng như với Mỹ) dự kiến sẽ tăng hơn 20 tỷ USD vào cuối năm 2023, trong khi sự luân chuyển hàng hóa giữa Đông Nam Á và Trung Quốc thậm chí tăng hơn 40 tỷ USD.
Theo bài báo, với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam có triển vọng rất khả quan trong việc tận dụng lợi thế của sự phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế gần 3% trong năm nay.
Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chỉ giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2020 so với dòng vốn cao năm 2019.
Tại các đặc khu kinh tế của Việt Nam - nơi có tỷ lệ lớn các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mặt bằng cho các nhà máy mới ngày càng trở nên khó tìm kiếm.
[AMRO dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020]
Tại miền Nam, giá cho thuê theo mét vuông trong quý 2 đã tăng 10% so với năm 2019 và Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tăng gần gấp 3 diện tích cho công nghiệp vào cuối năm nay.
Một lý do khiến Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) vốn có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua.
Đây là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà châu Âu từng ký kết với một thị trường mới nổi.
Theo hiệp định, thuế quan đối với 99% hàng hóa sẽ dần được xóa bỏ trong những năm tới và các công ty châu Âu muốn sản xuất tại châu Á có thể kỳ vọng lợi thế mang lại thông qua hiệp định này.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ không chỉ hấp dẫn hơn với tư cách là một điểm đến đầu tư mà còn có tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển các chuỗi cung ứng thay thế."
Theo trang Handelsblatt, không chỉ mở rộng thương mại tự do với châu Âu, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã gia nhập khu vực thương mại tự do với các nước như Nhật Bản, Canada và Mexico từ năm 2018.
Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó có Trung Quốc và Australia, và cũng đang thảo luận về một hiệp định thương mại tự do với Mỹ.
Báo Đức cho rằng chính sự cởi mở đối với toàn cầu hóa của Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn tìm đến.
Nhà sản xuất iPhone Apple đã chuyển khoảng 1/3 sản lượng tai nghe không dây sang Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một phần sản xuất phần cứng sang Việt Nam.
Đối với tập đoàn Hàn Quốc Samsung, Việt Nam đã là điểm sản xuất quan trọng trong nhiều năm khi trên một nửa số điện thoại của Samsung là được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam.
Bài báo dẫn lời các chuyên gia thuộc công ty đầu tư Dragon Capital cho rằng việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng trong chương trình kích thích kinh tế để phục hồi sau đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng tiềm năng tăng trưởng trong thập kỷ tới.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá sự thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chứng tỏ khả năng ứng phó với các rủi ro bên ngoài và duy trì sự ổn định của đất nước./.