Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Nhờ xây dựng văn hóa yêu và trọng khoa học công nghệ, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đang khôi phục tàn tích chiến tranh trở thành cường quốc công nghệ.
Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại Hội thảo đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo diễn ra sáng nay (20/12), ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã dẫn trường hợp của Hàn Quốc nhờ vào khoa học công nghệ từ một quốc gia nghèo, nhiều tàn tích sau chiến tranh để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ chỉ trong khoảng 20 năm.

Theo ông Tuấn, để đạt được những thành công này, Hàn Quốc đã làm rất tốt trong công tác truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, xây dựng nên văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, truyền thông khoa học công nghệ không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học đề cập những kết quả nghiên cứu của mình hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà còn hướng đến việc tạo nhận sự ủng hộ của công chúng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, việc tăng cường truyền thông, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao dân trí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ảnh 2Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thực tế cho thấy, các nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông, giúp công chúng và các cơ quan quản lý có thêm nhiều thông tin chân xác hơn về khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

Nhiều thông tin khoa học và công nghệ cũng đã được dùng làm cơ sở soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Lợi cũng lấy ví dụ như đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015, dư luận lên tiếng phản đối với những thông tin có tính khoa học, lập luận thuyết phục đã khiến chính quyền lắng nghe, đồng thời quyết định dừng lại đề án này.

Hay mới đây nhất, vụ việc cháy ở nhà máy Rạng Đông, vụ nước Sông Đà nhiễm dầu, không khí ô nhiễm với hàm lượng bụi mịn vượt ngưỡng nguy hại tại Hà Nội... chính truyền thông đã tác động lên chính sách, là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra các quyết sách đúng đắn nhất.

Các đại biểu cũng đánh giá, truyền thông sẽ giúp điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn so với thực tiễn, đồng thời giảm thiểu chi phí thời gian và tiền bạc cho quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan Nhà nước.

Thông qua truyền thông khoa học và công nghệ có thể đưa ra những dự báo tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách. Bên cạnh đó, nhờ truyền thông mà nhiều ngành khoa học và công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng...

[Truyền thông khoa học và công nghệ - chiến lược và hành động]

Thông tin khoa học và công nghệ là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cho các quyết sách phù hợp. Để truyền thông tốt hơn, các đơn vị liên quan nên tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu gắn với đời sống, mời các chuyên gia thực sự có chuyên môn cao phản biện để sẽ tạo ra hiệu quả truyền thông tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục