Ngày 6/1, hội nghị Ban Giám đốc Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia với sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo các hội, liên đoàn, hiệp hội nhà báo các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đoàn Việt Nam do ông Thuận Hữu - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm trưởng đoàn tham gia hội nghị.
Hội nghị nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện các chương trình hội nghị CAJ trước đó; xem xét và đánh giá các chương trình phối hợp thời gian qua và thảo luận các biện pháp, chương trình hợp tác trong tương lai.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, ông Lee Yoong Yoong, Trưởng bộ phận hỗ trợ điều hành Ban Thư ký ASEAN đã đánh giá vai trò của truyền thông là rất quan trọng vì có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của ASEAN với 628 triệu người dân.
Với các loại hình báo chí như truyền hình, báo ảnh, phát thanh, báo điện tử, mạng xã hội… có tác dụng định hướng xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển và giúp các quốc gia ASEAN tiến về phía trước.
Cũng phát biểu tại lễ khai mạc, ông Thuận Hữu nhấn mạnh, Hội Nhà báo Việt Nam với cương vị Chủ tịch CAJ trong 2 năm (2015-2017), đã triển khai những chương trình hoạt động cụ thể và thiết thực được thông qua trong Tuyên bố Hà Nội 2015.
Trong năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự đoàn kết và liên kết giữa các tổ chức nhà báo.
Các hoạt động bao gồm: Tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về “Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu” tại Hà Nội; tổ chức chuyến thăm quan, viết bài với chủ đề “Những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới” với sự tham dự của 10 phóng viên, biên tập viên đến từ 8 nước ASEAN; tổ chức Giải Ảnh báo chí dành cho các nhà báo thành viên CAJ với chủ đề “ASEAN – một cộng đồng”…
Ngoài ra, nắm được xu thế phát triển của xã hội hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam luôn đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin thường xuyên về hoạt động của các tổ chức thành viên qua mạng xã hội facebook bằng việc thành lập nhóm các nhà báo CAJ.
Thông qua Fanpage “Liên đoàn báo chí ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam lập, các thành viên của liên đoàn đã tăng cường cung cấp thông tin về hoạt động của các nước hội viên, thu hút sự tham gia của các nhà báo ASEAN chia sẻ các hoạt động của mình; xây dựng uy tín và tên tuổi của tổ chức trong cộng đồng ASEAN.
Những hoạt động mà Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai trong năm 2016 hy vọng đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về các giá trị, lợi ích của Cộng đồng ASEAN nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Ông Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong cuộc họp ngày 6/1, với vai trò Chủ tịch CAJ nhiệm kỳ 2015-2017, Việt Nam cùng với các nước thành viên của CAJ đánh giá lại những việc đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Chiều cùng ngày, cuộc họp Ban Giám đốc bàn kỹ những kế hoạch, những chương trình hành động trong thời gian tới cho đến khi Việt Nam hết nhiệm kỳ chủ tịch vào năm 2017.
Phiên họp Đại Hội đồng CAJ lần thứ 18 tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2005 đã nhất trí đến cuối năm 2017 Việt Nam sẽ chuyển giao chức Chủ tịch CAJ cho Thái Lan.
Nhân dịp này, CAJ và Mạng lưới quan hệ công chúng ASEAN (APRN) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Liên đoàn các nhà báo ASEAN được thành lập năm 1975 nhằm tăng cường phát triển khu vực ASEAN, thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn, hợp tác phát triển nền báo chí tự do, có trách nhiệm.
Đến nay CAJ có 7 thành viên chính thức gồm: Hội Nhà báo Indonesia, Hiệp hội Nhà báo Quốc gia Malaysia, Câu lạc bộ báo chí Quốc gia Philippines, Hiệp hội Nhà báo Quốc gia Singapore, Liên đoàn các nhà báo Thái Lan, Hội Nhà báo Lào và Hội Nhà báo Việt Nam, cùng 3 thành viên liên kết là Hội Nhà báo Campuchia, Myanmar và Brunei.
Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên của CAJ tháng 7/1995 cùng với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Từ khi gia nhập đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và CAJ cũng như giữa Hội Nhà báo Việt Nam với các hội nhà báo thành viên của tổ chức này đã có bước phát triển sâu rộng và hiệu quả.
Thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác và qua các bài báo, các sản phẩm báo chí đăng tải trên hệ thống truyền thông mỗi quốc gia đã góp phần quan trọng vào mục tiêu và chương trình hoạt động song phương, đa phương giữa các tổ chức thành viên qua từng thời kỳ./.