Truyền thông châu Âu đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội

Truyền thông Italy và châu Âu đã dành nhiều quan tâm theo dõi và đánh giá ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm trong việc tăng cường quan hệ song phương Việt Nam-Liên minh châu Âu.
Truyền thông châu Âu đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Áo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Từ ngày 5-11/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.

Truyền thông Italy và châu Âu đã dành nhiều quan tâm theo dõi và đánh giá ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm trong việc tăng cường quan hệ song phương Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) cũng như góp phần thúc đẩy các cơ chế trao đổi, hợp tác đa phương ở khu vực và toàn cầu.

Mở đầu bài viết trên nhật báo Agenzia Stampa Italia, tác giả Andrea Fais nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh dấu hoạt động đối ngoại cấp cao đầu tiên của Việt Nam với EU kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội khóa XV tại Việt Nam, kỷ niệm tròn một năm Hiệp định Tự do thương mại giữa EU và Việt nam (EVFTA) có hiệu lực.

Bài viết đề cập khái quát tiến trình EVFTA được hai bên nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa và trở thành thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, có độ phức tạp cao, tham vọng nhất của EU với một nền kinh tế mới nổi.

Các cơ quan lập pháp (EP và Quốc hội Việt Nam) đóng vai trò then chốt và đã nhanh chóng thông qua EVFTA, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU sau hơn 30 năm tiếp tục phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa EU với các nước châu Á nói chung.

[Tăng cường vai trò hợp tác nghị viện trong quan hệ Việt Nam với EU, Bỉ]

Bài viết nhận định lãnh đạo EU hiện xem Việt Nam là đối tác hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) và cơ chế Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-EU tiếp tục được hai bên tích cực triển khai hiệu quả. Việt Nam thực sự là cầu nối giữa EU với ASEAN, trong khi EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc, tổ chức quốc tế khác. Hợp tác kinh tế, thương mại song phương đã thay đổi về chất, là tiền đề thúc đẩy hợp tác chính sách và các lĩnh vực chiến lược khác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

EVFTA tạo thuận lợi cho việc các sản phẩm chất lượng của Việt Nam xâm nhập thị trường châu Âu, đồng thời nâng cao kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam. Thỏa thuận cũng gián tiếp thúc đẩy hiệu quả hoạt động đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh quy mô đầu tư của EU vào Việt Nam còn khiêm tốn.

Truyền thông châu Âu đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Áo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về lĩnh vực phát triển bền vững, bài viết cho rằng EU cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh cho Việt Nam, lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp Italy có thế mạnh về bí quyết công nghệ. EU cũng cần mở rộng vốn ODA dành cho các dự án phát triển năng lượng sạch, cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững ở các vùng nông thôn, miền núi của Việt Nam.

Đáng chú ý, bài viết tập trung phân tích những kết quả hợp song phương về phòng chống đại dịch COVID-19 và trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây giữa EU và Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và đề nghị EU hỗ trợ, chia sẻ vaccine cho Việt Nam. Thông qua cơ chế COVAX, EU đã cung cấp cho Việt Nam 2,4 triệu liều vaccine.

Theo tác giả bài viết, sự quan tâm và hỗ trợ về vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cho Việt Nam thể hiện rõ những cam kết của EU trong khuôn khổ Hiệp định khung về tham gia quản lý khủng hoảng với Việt Nam.

Trong khi đó, trên trang Die Meinung tại Áo, tác giả Khaled cho rằng chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, tăng cường hợp tác đa phương và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bài viết nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là luôn coi trọng và tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương nhằm ứng phó những thách thức đối với toàn thế giới hiện nay.

Theo tác giả bài viết, bên cạnh các chủ đề trọng tâm về chủ nghĩa đa phương, hợp tác và gìn giữ hòa bình, Hội nghị Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm tại Cộng hòa Áo còn tập trung thảo luận các chủ đề về bình đẳng giới, tác động của đại dịch COVID-19, hợp tác liên nghị viện, nâng cao đời sống cho người dân trên toàn cầu.

Cũng tại châu Âu, nhiều trang truyền thông của cộng đồng người Việt tại Đức, Áo, Séc, Italy…đều quan tâm đăng tải bài viết từ các báo nêu trên, đồng thời thường xuyên cập nhật các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và đoàn trong chuyến thăm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục