Truyền thông Campuchia đề cao quan hệ láng giềng tốt đẹp Campuchia-Việt Nam

Báo chí Campuchia đăng tải bài viết cùng nhiều hình ảnh ghi nhận vai trò của Quân đội tình nguyện Việt Nam trong sự kiện lịch sử 7/1 và công cuộc hồi sinh, phát triển của Đất nước Chùa Tháp.
Báo điện tử Thmey Thmey đăng tải nhiều hình ảnh về Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia phối hợp huấn luyện và chiến đấu, tiến vào giải phóng Phnom Penh vào ngày 7/1/1979, ảnh chụp màn hình. (Ảnh: TTXVN phát)

Hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 7/1 (1979-2024), ngày đất nước và nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Kampuchea Dân chủ (17/4/1975-6/1/1979) do Pol Pot đứng đầu, nhiều cơ quan báo chí truyền thông sở tại đã đăng tải bài viết cùng nhiều hình ảnh ghi nhận vai trò của Quân đội tình nguyện Việt Nam trong sự kiện lịch sử 7/1 và công cuộc hồi sinh, phát triển của Đất nước Chùa Tháp hiện nay, đồng thời ca ngợi mối quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam-Campuchia trong gần nửa thế kỷ qua, tiếp tục được tăng cường, mở rộng trên mọi lĩnh vực và mọi cấp độ.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong bài viết xuất bản ngày 5/1 với tiêu đề “Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 7/1: Campuchia-Việt Nam tiếp tục nâng cao quan hệ láng giềng tốt đẹp trên mọi lĩnh vực và mọi cấp độ,” báo điện tử ThmeyThmey cho biết ngày 7/1/1979 là ngày chiến thắng vĩ đại và mang tính lịch sử của nhân dân Campuchia trước chế độ diệt chủng Pol Pot, khép lại kỷ nguyên đen tối và mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội, đồng thời mở đường cho sự nghiệp thống nhất dân tộc ở Campuchia.

Theo đó, thông qua việc thực hiện Hiệp định Hòa bình Paris ngày 23/10/1991, Chế độ quân chủ lập hiến được thành lập ngày 24/9/1993, Vương quốc Campuchia thứ hai được tái lập và tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng ở Campuchia vào ngày 29/12/1998 nhờ chính sách hợp tác cùng thắng của cựu Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen.

Điểm lại những chặng đường gian khó của Campuchia trong gần nửa thế kỷ qua trong nỗ lực tái thiết, duy trì hòa bình và phát triển đất nước, nhất là những thành nổi bật trong những năm gần đây, đặc biệt là cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, thành lập bộ máy chính phủ mới vào tháng 8/2023 vừa qua, báo ThmeyThmey bày tỏ lạc quan: “Bất chấp nhiều thách thức đang nổi lên, Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet vẫn tự tin đề ra các chính sách ưu tiên tháo gỡ khó khăn và nâng cao đời sống người dân, xác định năm 2023 là năm khởi đầu để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050.”

Từ góc nhìn đó, trên cơ sở điểm lại những thành tựu quan trọng của đất nước trong thời gian qua, báo điện tử ThmeyThmey nhận định những thành tựu Campuchia đạt được hôm nay đều khởi đầu từ "bàn tay trắng," sau công cuộc lật đổ chế độ diệt chủng, do Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia tiến hành với sự hỗ trợ của Quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam.

Hình ảnh Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia tiến vào giải phóng Phnom Penh vào ngày 7/1/1979 trên báo điện tử Thmey Thmey. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong một bài viết xuất bản cùng ngày, báo Koh Santepheap (Đảo Hòa Bình) lưu ý vào năm 1975, sau khi kết thúc chiến tranh, trong khi đất nước Việt Nam thống nhất với chiến thắng ngày 30/4/1975, nhân dân và đất nước Campuchia lại rơi vào thảm kịch.

Sau khi chế độ Lon Nol ở Campuchia sụp đổ ngày 17/4/1975, chế độ Pol Pot đã đưa đất nước và nhân dân Campuchia vào chế độ diệt chủng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, chế độ diệt chủng đã giết hại hơn 3 triệu người dân Campuchia vô tội.

Theo bài viết trên trang chủ của Koh Santepheap, vào ngày 7/1/1979, lực lượng quân đội của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia và nhân dân Campuchia, với sự ủng hộ, hỗ trợ của Quân đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam, đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng dân tộc và đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Chiến thắng này là sự kiện lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết quốc tế giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia-Việt Nam, mở ra trang mới trong quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.

Sau chiến thắng vẻ vang ngày 7/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo, huấn luyện cho đến khi quân đội Campuchia đủ khả năng kiểm soát, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại. Sau đó, Quân tình nguyện Việt Nam rút hoàn toàn khỏi Campuchia trong tháng 9/1989.

Theo báo Koh Santepheap, từ khi Quân tình nguyện Việt Nam rút hoàn toàn khỏi Campuchia, quan hệ Campuchia-Việt Nam không ngừng tiến triển cho đến hôm nay và ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Quan hệ giữa hai nước không chỉ là mối quan hệ truyền thống, láng giềng mà còn là mối quan hệ anh em đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Mối quan hệ này được lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn, vun đắp và được thế hệ trẻ hai nước xây tiếp những nhịp cầu hữu nghị theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Liên quan sự kiện lịch sử 7/1, bài viết trên báo Koh Santepheap dẫn nghị quyết Đại hội Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia lần thứ 6 vào ngày 15/11/2023 vừa qua, trong đó nhấn mạnh: “Đại hội gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bạn bè các nước gần xa, đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục