Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, viết về chiến tranh nhưng đầy ắp chất thơ cùng sự lãng mạn, đã được dựng thành vở nhạc kịch cùng tên. Vở nhạc kịch sẽ được công diễn tối 16/12 tại Nhà hát Quân đội và truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tối 17/12.
Vietnam+ có có cuộc trò chuyện với giám đốc sáng tạo-tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Nguyễn Bông Mai.
- Chị làm thế nào với dàn diễn viên toàn người trẻ, ê-kíp phụ giúp là những người Thái Lan, đều là những người chưa bao giờ sống trong tình huống chiến tranh, thời kỳ chiến tranh?
Tổng đạo diễn Nguyễn Bông Mai:
Chúng tôi đã làm việc với nhau rất kỹ, trao đổi, kể chuyện cho họ rất nhiều câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, cho họ xem rất nhiều phim tài liệu, ảnh, các đạo cụ các thời kỳ để họ hiểu câu chuyện của chúng tôi. Kịch bản này đã được dịch ra tiếng Anh và gửi cho họ từ rất sớm để họ hiểu và cảm nhận. Nên nếu mọi người đến tham dự buổi diễn này sẽ thấy là có các ý tưởng của người nước ngoài đưa đến cho chúng tôi và tất cả đều rất ăn nhập với câu chuyện.
Chúng tôi muốn câu chuyện này sẽ được nhiều người biết không chỉ dừng ở một phạm vi nào. Còn đối với thế hệ trẻ, ban đầu chúng tôi cũng khá lo ngại, nhưng trong mỗi buổi tập chúng tôi luôn trò chuyện với các bạn về câu chuyện đã qua để hiểu về chiến tranh, bên cạnh đố các em cũng là những người muốn làm tốt công việc của mình, đã tìm rất nhiều câu chuyện và những bài văn về chiến tranh để các bạn hiểu thêm về những thế hệ đó, hiểu hơn những nhân vật mình sẽ diễn.
Tôi nuốn có một phong cách thể hiện ngôn ngữ âm nhạc khác. Nhiều người có thể lo ngại người nước ngoài sẽ không thể cảm nhận được câu chuyện. Nhưng chúng tôi và họ đã làm việc và bàn bạc thảo luận rất là lâu và kỹ về nội dung. Họ được cung cấp và xem nhiều tài liệu. Tôi tin chắc chắn là họ làm tốt.
Nếu như người Việt Nam làm về chiến tranh Việt Nam thì sẽ có góc nhìn theo cách của người trong cuộc. Tôi muốn có một góc nhìn của người ngoài cuộc.
Khi tôi mời nhóm chuyên gia người Thái Lan sang, tôi không hề có ý chê các nhạc sỹ, đạo diễn, nghệ sỹ nước mình. Điều mà tôi muốn đó là một sự hợp tác đem lại sự mới mẻ hơn. Cùng là may chiếc áo, nhưng nếu biết kết hợp các yếu tố mới mẻ, thì sản phẩm sẽ có tính thời trang hơn.
Hơn nữa, vở nhạc kịch của chúng tôi kể về chiến tranh không phải theo cách thường lệ là súng đạn. Mọi người sẽ không thấy hình ảnh súng đạn, mà chỉ thấy hình ảnh các anh chị bộ đội, thanh niên xung phong, xe tải chở hàng ra tiền tuyến với tiếng hát rất hay... Đó không phải là một câu chuyện buồn. Mọi người sẽ có cách nhìn nhận tích cực hơn về chiến tranh Việt Nam.
- Chị có thể cho biết thông tin về 2 diễn viên chính đóng Nguyệt và Lãm?
Tổng đạo diễn Nguyễn Bông Mai: Khi chọn nam diễn viên, tôi muốn hình ảnh một anh bộ đội trẻ trung, cao ráo và một vấn đề nữa là đối với vở nhạc kịch phải là người hát hay. Trong vở diễn này, Đông Hùng hoàn thiện khá tốt các phần diễn hát của mình và Phương Linh cũng vậy.
Tuy nhiên, do vở diễn này được thoại bởi chính những lời hát, nên họ vẫn chưa quen cách làm việc này. Họ vẫn nghĩ đây là những ca khúc độc lập, nhưng thực ra nó giống như lời thoại, và vì thế, cần đầu tư tình cảm cho nó. Họ rất chăm chỉ và tỏ ra quyết tâm thực hiện tốt, nên tôi nghĩ rằng đến hôm diễn, các bạn đó sẽ làm tốt./.