Truyền hình thực tế: Thời “được ăn, được nói, được gói mang về”

“Nhân tài như lá mùa thu” nhưng sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng, kèm theo giá trị giải thưởng “khủng” khiến công cuộc “chinh phục ước mơ” của giới trẻ có lẽ chưa bao giờ "hời" như hiện nay...
'Giọng hát Việt' mùa thứ 3 với bộ tứ ghế nóng mới trong cuộc chạy đua cùng Vietnam Idol 2015. (Ảnh: CTS)

Bài 1: Dễ như tìm... tài năng Việt ở các game show

Giữa “cơn bão” truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài như The Remix, Giọng hát Việt, Vietnam Idol… thì cuộc đổ bộ của những chương trình có yếu tố “ngoại” sản xuất (Hàn Quốc) như “Ngôi sao Việt,” hay “Chinh phục ước mơ" đã mở ra hiện tượng “trăm hoa đua nở” trong thế đua “ngầm” với các “ông lớn” sản xuất trong nước.

Có câu “nhân tài như lá mùa thu” nhưng cũng chính sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, kèm theo giá trị giải thưởng “khủng” khiến công cuộc chinh phục ước mơ của giới trẻ, có lẽ chưa bao giờ “HỜI” (và cả hời hợt) như thời nay…

Nhân tài như lá… rụng?!

Không thể phủ nhận, những show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc như Vietnam Idol, Giọng hát Việt hay Nhân tố Bí ẩn đã có công phát hiện ra rất nhiều giọng ca mới cho làng nhạc Việt.

Tuy nhiên, sự nở rộ các show truyền hình thực tế tràn lan các kênh, chiếm sóng “giờ vàng” từ đài trung ương đến địa phương đưa tới liên tưởng chúng ta như đang ở thời “ăn truyền hình thực tế, ngủ truyền hình thực tế.”

Thực trạng quá tải show truyền hình thực tế không những gây "bội thực" cho khán giả màn ảnh mà còn “đẻ” ra hiện tượng nhân tài nhiều như lá… rụng. Cảm tưởng, chưa thời nào Việt Nam lại được tìm kiếm và phát hiện tài năng dễ như... bây giờ.

Nếu tính từ thời điểm ca sỹ Phương Vy trở  thành quán quân Vietnam Idol mùa đầu tiên (2007) tính đến nay, mỗi năm Việt Nam lại… “đẻ” ra một tá cái gọi là “tài năng” hoặc “thần đồng” từ truyền hình thực tế.

Hiềm một nỗi, nhiều trong số tài năng được phát hiện ấy cũng “im thin thít, lặn mất tăm” sau khi cuộc thi kết thúc như trường hợp Yasuy (Quán quân Vietnam Idol 2013), Thảo My (Quán quân Giọng hát Việt 2013).

Đến những “hiện tượng” khiến khán giả "sốt sình sịch" như Uyên Linh (Quán quân Vietnam Idol 2010) hay Hương Tràm (Quán quân Giọng hát Việt 2012) thì ngay sau cuộc thi cũng “nổi” nhiều nhờ vướng vào các vụ… scandal hơn là âm nhạc.

Trong khi đó, show truyền hình thực tế gắn mác “ngoại” sản xuất cũng chẳng khá hơn, dù nếu đưa lên “bàn cân,” dễ nhận thấy thí sinh tham gia có vẻ “hời” hơn trước.

Những con số tiền thưởng “khủng” lên tới hàng tỷ đồng dành cho người thắng cuộc cùng vận may được cọ xát, trải nghiệm quy trình đào tạo bài bản tại Hàn Quốc để trở thành một ngôi sao vươn tầm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng trớ trêu thay, khi cuộc thi khép lại, những ngôi vị quán quân được hứa hẹn sẽ là ngôi sao giải trí hàng đầu thông qua phương thức đào tạo chuyên nghiệp của K-Pop tính đến thời điểm này vẫn … mất hút.

Game show mọc nhiều như 'nấm sau mưa' đã dẫn tới hiện tượng nhân tài nhiều như lá... rụng. (Ảnh: BHD)

Chạy đua giữa các “ông lớn”

Cùng với sự cạnh tranh của các thí sinh để trở thành người thắng cuộc, các “ông lớn” sản xuất show truyền hình thực tế cũng bước vào "Đường đua sinh tử".

Còn nhớ thời điểm năm 2014, khi những cuộc thi hát của Cát Tiên Sa ngày càng “chìm” dần thì “Ngôi sao Việt” xuất hiện gây xôn xao với giải thưởng lên tới 7,8 tỷ đồng và một kế hoạch tìm kiếm, đào tạo tài năng chuyên nghiệp đã gây ra “cơn sốt” cho công chúng và những tài năng đang chờ thời để tỏa sáng.

Điều đó đang lặp lại năm nay, khi Cát Tiên Sa vừa tung ra cuộc thi The Remix thì phía nhà sản xuất Hàn Quốc lại trình làng “Chinh phục ước mơ” hứa hẹn “gây bão” với giải thưởng lên tới một tỷ đồng.

Một trong những điểm yếu của Cát Tiên Sa là họ chỉ tìm ra những “viên ngọc thô” rồi sau đó… phát triển tự thân. Người thắng cuộc hoàn toàn không được đào tạo về các kỹ năng, mà chỉ đơn thuần là được công ty “tìm” show kiếm tiền.

Nhưng cuộc thi của “ông lớn” Hàn Quốc đã lanh lẹ bổ khuyết lỗ hổng đó với cam kết của ban tổ chức, rằng thí sinh là được đào tạo để “lột xác” hoàn toàn ngay từ khi họ bắt đầu tham gia chương trình.

Và quán quân cũng không chỉ “được gói mang về” mà sẽ tiếp tục tham gia một khóa đào tạo kỹ lưỡng, được đảm bảo về “đầu ra” một cách chắc chắn.

Chỉ nhìn đến đây thôi, dễ nhận ra chiến lược của “ông lớn” sản xuất Hàn Quốc quan tâm tới “đường dài” hơn, so với lối làm việc bị một số người cho là “ăn xổi ở thì” của đơn vị sản xuất nội địa.

Sự nở rộ của các game show như Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Ngôi sao Việt tràn lan trên các kênh, ở mọi mọi khung giờ. (Ảnh: VTV)

Hay như việc nhà sản xuất chương trình “Ngôi sao Việt” mời Phương Thanh làm giám khảo như một yếu tố “chiêu trò” cũng khiến dư luận không khỏi "nghĩ ngợi.”

Phải chăng, “ông lớn” Hàn Quốc muốn ngầm cam kết chương trình của mình sẽ thật "tự nhiên", "không phải bàn cờ," bởi ca sỹ này từng tuyên bố “không bao giờ làm việc với Cát Tiên Sa nữa”  trước nghi án “cờ gian bạc lận” khi là người tham gia một chương trình do công ty này sản xuất. 

Mặc dù qua 20 năm hoạt động, Cát Tiên Sa đang được xem là công ty nội địa nắm trong tay danh sách những "con gà đẻ trứng vàng" khủng nhất hiện nay như The Remix, Giọng hát Việt, Bước nhảy Hoàn vũ… Nhưng có vẻ như, những lùm xùm và “nghi án dàn xếp kết quả” liên tiếp xảy đến đã kéo niềm tin của những tài năng còn “trong trứng nước” và công chúng Việt ngả dần về phía những “bệ đỡ” được gắn mác ngoại cùng với số tiền thưởng cao ngất ngưởng…/.

Bài 2: Té ngửa… về những món tiền thưởng "khủng" của game show?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục