Trong chuyến công tác tới Việt Nam dự Hội nghị khoa học quốc tế "Điện tử lượng tử Tôpô tương tác trực diện" diễn ra tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Giáo sư Duncan Haldane - người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2016, hiện đang giảng dạy tại Đại học Princeton (Hoa Kỳ) nói: “Động lực để giới trẻ học và tiếp thu được khoa học trong thời đại ngày nay không nhất thiết phải phụ thuộc vào sách vở hay chờ sự dìu dắt từ những nhà khoa học lớn. Việc giáo dục và truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên phải được thực hiện càng sớm càng tốt, từ lúc họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước tiên phải tạo sự thích thú, khi đã thích thú rồi thì các bạn trẻ sẽ tự phát triển kỹ năng tự tìm tòi, nghiên cứu. Có kỹ năng đó, họ tự đi theo con đường khoa học mong muốn.”
Quan điểm của Giáo sư Duncan Haldane cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Trong tháng 12/2024 sẽ diễn ra các hoạt động kết nối khoa học công nghệ từ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024 với điểm nhấn là “Chuỗi đối thoại khám phá tương lai VinFuture.”
Tại sự kiện, các nhà khoa học là thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture, chuyên gia hàng đầu thế giới ở những lĩnh vực công nghệ “nóng”, sẽ giao lưu, trao đổi tri thức, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, truyền cảm hứng cho hàng chục nghìn sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ trong nước.
Trong năm 2024, 8 tổ chức gồm các viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp sẽ thảo luận chuyên sâu với những nhà khoa học hàng đầu thế giới xoay quanh lĩnh vực trọng yếu như trí tuệ nhân tạo (AI), y học, năng lượng và môi trường...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải, việc mời được các giáo sư hàng đầu thế giới, trong đó có cả chuyên gia phát triển bộ chỉ số đổi mới sáng tạo quốc tế, đến chia sẻ về trí tuệ nhân tạo-lĩnh vực đang "làm mưa làm gió" toàn cầu-là điều không dễ dàng.
Nhà trường mong đợi sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để tìm hiểu cách ứng dụng AI trong giảng dạy và đào tạo, đồng thời nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù của trường đại học Việt Nam.
Cũng là một đơn vị tham gia tổ chức sự kiện thuộc chuỗi đối thoại, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kỳ vọng,cán bộ, giảng viên, sinh viên sẽ được hưởng lợi từ chia sẻ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn-Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết, nhà trường đã lựa chọn chủ đề năng lượng và vật liệu tiên tiến, vừa hấp dẫn người tham dự vừa gắn với định hướng phát triển thiết thực.
“Tôi hy vọng chủ đề này sẽ mang lại giá trị cao cho trường, cũng như các đơn vị chuyên môn. Đây là nguồn tri thức mới, có ích đối với công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như định hướng phát triển khoa học công nghệ trong tương lai,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn nói.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đánh giá, từ trước đến nay, các đơn vị trong nước thường gặp khó khăn về nguồn lực và phương thức làm việc theo lối truyền thống.
Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 mang tới cho cộng đồng khoa học Việt Nam cơ hội được trực tiếp gặp những trí tuệ kiệt xuất thế giới.
“Khi được trao đổi với chuyên gia, chúng ta có thể nhanh chóng tiếp cận ý tưởng và phương pháp nghiên cứu mới nhất, hòa nhập với tri thức tiên tiến toàn cầu. Thông qua sự kiện, giới khoa học Việt Nam cũng có cơ hội trực tiếp nêu lên thách thức đang đối mặt, thảo luận cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới để tìm lời giải đáp hiệu quả nhất,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà nói.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu là mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu cùng các ngành, đặc biệt là nông nghiệp cùng năng lượng - hai lĩnh vực quan trọng tại Việt Nam.
Với nông nghiệp, thách thức đang trở nên đa chiều khi vừa phải thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa cần giảm thiểu phát thải từ trong chính lĩnh vực này. Trong khi đó, với năng lượng, chuyển đổi xanh được kỳ vọng là chìa khóa để mở ra tương lai bền vững hơn.
Chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới sẽ mang đến cái nhìn toàn diện, giúp Viện có thể tiếp cận phù hợp. Nghiên cứu chuyên sâu sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải mà Việt Nam đặt ra, đồng thời giúp chúng ta đạt được chiến lược phát triển bền vững.
Ở góc độ đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà cũng đề cao giá trị mà sự kiện mang lại cho quá trình phát triển nguồn nhân lực trẻ.
“Đây là cơ hội quý giá mà chúng ta cần nắm bắt, nhất là đối với thế hệ trẻ. Với sự chia sẻ kinh nghiệm từ các giáo sư quốc tế, chúng ta có thể tiến nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách với nền khoa học toàn cầu và ứng dụng hiệu quả cho Việt Nam,” Phó Giáo sư Thanh Ngà nhận định./.
Công bố Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture mùa thứ 3
Giải thưởng VinFuture là một trong những sự kiện thường niên được trông đợi của giới khoa học công nghệ toàn cầu. Lễ trao giải sẽ diễn ra tối 20/12/2023 tại Hà Nội