Cuộc chiến toàn cầu chống dịch COVID-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi.
Từ những ngày đầu cả thế giới lúng túng trước chủng virus mới, đến nay đã có sự phân hóa tương đối rõ rệt về mức độ thành công của các chiến lược chống dịch mà mỗi nước đang áp dụng.
Vaccine cũng đã chứng tỏ là vũ khí hữu hiệu chống virus SARS-CoV-2, song tình trạng khan hiếm nguồn cung và phân phối không đồng đều khiến tiếp cận vaccine vẫn là thách thức đối với nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Bởi vậy, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus tiếp tục được các nước ưu tiên áp dụng.
Trong thời gian chờ vaccine, công thức đơn giản nhất để kiểm soát một dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 là truy vết-cách ly-xét nghiệm, trong đó truy vết là bước đầu tiên mang tính quyết định. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đánh giá đúng tầm quan trọng và làm tốt công việc căn bản này.
Công tác truy vết trong giai đoạn đầu có vai trò quyết định, được ví như "viên đạn bạc" săn COVID-19 bởi nó giúp xác định được nguồn gốc lây và tâm điểm của dịch COVID-19 để tổ chức phong tỏa kịp thời, cách ly triệt để.
Càng truy vết sớm bao nhiêu thì nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng càng giảm bởi việc phát hiện và khoanh vùng sớm các chùm ca bệnh và các ổ dịch phức tạp sẽ giúp ngăn ngừa được các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là yếu tố quan trọng để có thể thành công trong phòng chống dịch.
Có một thực tế là nhiều nước phát triển ở phương Tây với nguồn lực tài chính và công nghệ dồi dào lại không thành công trong việc truy vết COVID-19.
Ngay khi đại dịch mới bùng phát hồi đầu năm ngoái, châu Âu đã tiến hành truy vết bằng nhiều cách khác nhau, song không mang lại kết quả như mong đợi.
Chỉ có 3% dân số Pháp cài đặt ứng dụng truy vết COVID-19, trong khi cần ít nhất 80% số người dùng điện thoại thông minh sử dụng thì ứng dụng mới phát huy hiệu quả.
Tại Anh, cơ quan chức năng chỉ liên lạc được với 1/8 số người dương tính với virus SARS-CoV-2 và chỉ truy vết được dưới 50% số người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại phần lớn các bang của Mỹ. Ngay cả khi số điện thoại của bệnh nhân được cung cấp, có tới hơn 50% trong số này không trả lời điện thoại của lực lượng truy vết.
Ứng dụng COVID-19 Alert của Canada vấp phải sự phản đối của người dân tại nhiều tỉnh và vùng lãnh thổ. Việc không truy vết được là một trong những nguyên nhân chính khiến châu Âu và Mỹ đã trải qua nhiều tháng khủng hoảng khi số ca mắc COVID-19 tăng cao mất kiểm soát.
Trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay, khó có thể nghĩ rằng công nghệ lạc hậu là một trong những lý do khiến các nước phát triển “chậm” hơn virus. Thế nhưng ở Australia và một số bang của Mỹ như Hawaii và Washington, người ta vẫn đang dùng máy fax và điện thoại để thông báo về từng ca mắc COVID-19, khiến báo cáo bị chậm trễ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ sai lệch thông tin.
[Số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 7 ngày trên toàn thế giới đã giảm 5%]
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ và châu Âu ít phải chịu ảnh hưởng của các dịch bệnh truyền nhiễm, vì vậy không có sự chuẩn bị đầy đủ về phương tiện và nhân lực truy vết. Một báo cáo của Mỹ ước tính cần khoảng 30 người truy vết phụ trách mỗi 100.000 dân trong trường hợp số ca nhiễm tăng cao.
Tuy nhiên, trong quý 2 năm ngoái, Mỹ chỉ có chưa đầy 3.000 người truy vết trên tổng số 330 triệu dân và đa phần không có kỹ năng truy vết người mắc COVID-19. Trong khi đó, ngay giai đoạn đầu, Việt Nam, với dân số bằng 1/3 Mỹ, đã triển khai hơn 12.000 người làm nhiệm vụ truy vết được đào tạo bài bản.
Một yếu tố khiến việc áp dụng công nghệ trong truy vết gặp khó khăn là vấn đề quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Trên thực tế, nhiều nước đã xây dựng các ứng dụng di động riêng để truy vết bệnh nhân COVID-19 và những người có tiếp xúc gần.
Ngôn ngữ, giao diện, công cụ định vị của mỗi ứng dụng có thể khác nhau, song có chung cơ chế hoạt động là xác định vị trí và ghi lại lịch trình di chuyển của mỗi người, qua đó có thể cảnh báo người dùng về nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên, tranh cãi chưa có hồi kết về vấn đề quyền riêng tư và bảo mật khiến công tác truy vết COVID-19 tại nhiều nước đi vào ngõ cụt.
Khảo sát cho thấy tại Mỹ và Đức, 21% số người được hỏi cho biết họ không sẵn lòng cung cấp thông tin về lịch sử đi lại và tiếp xúc của mình. Tỷ lệ này ở Pháp là 25%. Cũng không ít ý kiến phản đối biện pháp cách ly, với những lý lẽ về vấn đề bí mật y tế và coi đây là “giữ người bắt buộc."
Nhiều người quay lưng với công tác truy vết vì không tin sự hợp tác của mình sẽ giúp hệ thống y tế đối phó tốt hơn với đại dịch. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước không ban hành quy định ràng buộc nào nhằm trao quyền lớn hơn cho lực lượng truy vết.
Tất cả những nguyên nhân này đã khiến hàng loạt quốc gia phát triển đánh rơi “viên đạn bạc” để săn virus trong những ngày đầu. Khi số ca mắc theo ngày tăng đến hàng nghìn, việc truy vết từng trường hợp gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Trong khi đó, tại châu Á, một số quốc gia đã thực hiện hiệu quả công tác truy vết. Hàn Quốc, với kinh nghiệm ứng phó với Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015, coi truy vết là yếu tố sống còn trong việc khống chế dịch COVID-19.
Luật pháp Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh, cho phép cơ quan chức năng sử dụng dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để truy vết bệnh nhân COVID-19. Nhờ vậy, những người có nguy cơ lây nhiễm được nhanh chóng khoanh vùng và cách ly, không để dịch lan rộng mất kiểm soát.
Việt Nam cũng được đánh giá là có chiến lược chặt chẽ, bài bản trong công tác truy vết. Ngay từ đầu, Việt Nam xác định truy vết nhanh chóng và triệt để là cách duy nhất để cắt đứt chuỗi lây lan virus. Với phương châm thực hiện truy vết một cách “thần tốc” và “triệt để," đồng thời mở rộng phạm vi truy vết, trong nhiều trường hợp, cơ quan y tế Việt Nam đã hành động nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.
Truyền thông quốc tế đánh giá có ba yếu tố giúp công tác truy vết ở Việt Nam đạt hiệu quả cao, đó là sự quyết liệt của chính quyền, sự chuyên nghiệp của lực lượng y tế và sự đồng lòng của người dân.
Trong khi một số nước coi nhẹ bước truy vết và thậm chí có tâm lý buông xuôi khi số ca mắc tăng lên nhanh chóng, thì tại Việt Nam, chủ trương truy vết tận gốc được đặt lên hàng đầu. Dù số lượng F0, F1 lên đến hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người, lực lượng chức năng vẫn kiên trì sử dụng nghiệp vụ để truy vết, xét nghiệm và tổ chức cách ly nghiêm ngặt.
Theo thống kê, chỉ có chưa đến 1% số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam không xác định được nguồn lây. Khảo sát cũng cho thấy tại Việt Nam, chỉ có 4% số người được hỏi e ngại việc cung cấp thông tin liên lạc cho cơ quan chức năng, đa số các F0, F1 nói riêng và của người dân nói chung đều hợp tác.
Trong nhiều trường hợp, người dân tham gia vào công tác truy vết bằng cách thông báo với chính quyền khi biết các F0, F1 không tuân thủ các quy định chống dịch. Cũng nhờ truy vết tốt, Việt Nam chỉ cần thực hiện giãn cách cục bộ tại các ổ dịch, thay vì phải cách ly toàn xã hội.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Todd Pollack thuộc Chương trình hợp tác Tăng cường sức khỏe ở Việt Nam nhận định: “Đó không phải là phép thuật. Đơn giản là Việt Nam đã làm tất cả những việc nên làm để chống dịch."
Như đánh giá của ông Helge Berger, Trợ lý giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã cho thấy cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 khi chưa có vaccine ngừa bệnh, mà "chìa khóa" là các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm tức thì và truy vết nhanh nguồn bệnh.
Trang mạng gavi.org của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đề cao chiến lược truy vết của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh hai yếu tố: vai trò của việc huy động nhanh chóng các chuyên gia y tế, công an, quân đội và các viên chức trong nỗ lực truy vết virus và việc áp dụng công nghệ.
Có thể kể tới ứng dụng truy vết và cảnh báo Bluezone mà Việt Nam tự phát triển đã vượt mốc 30 triệu lượt cài đặt, góp phần truy vết hàng nghìn F1, F2, hay ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam.
Quỹ Châu Á Thái Bình Dương của Canada nhấn mạnh: “Việt Nam đã thành công trong công tác truy vết nhờ xác định nhanh chóng những người có nguy cơ mắc COVID-19 theo ba nhóm được Bộ Y tế Việt Nam phân loại: nhóm bị nhiễm, nghi nhiễm và có nguy cơ nhiễm. Bên cạnh đó, việc huy động các chuyên gia y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác cũng góp phần tạo nên thành công của chiến dịch truy vết thần tốc tại Việt Nam."
Cuộc chiến chống COVID-19 dường như chưa thể sớm kết thúc và đây chắc chắn không phải đại dịch cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Không thể phủ nhận truy vết là bước then chốt, là “viên đạn bạc” săn virus, quyết định một dịch bệnh truyền nhiễm có lan rộng hay không. Vì vậy, việc liên tục phát triển các ứng dụng truy vết vừa đảm bảo hiệu quả, vừa có tính bảo mật cao là bài toán không của riêng quốc gia nào.
Tuy nhiên, dù công nghệ phát triển đến đâu thì con người vẫn đóng vai trò trung tâm, và sẽ không có ứng dụng nào có thể truy vết triệt để nếu không có ý thức tự giác khai báo, sự hợp tác, chung tay chống dịch của người dân và chính phủ. Chỉ khi đó, "viên đạn bạc" săn virus mới phát huy tác dụng./.