Truy tố nguyên cán bộ ngân hàng NCB lừa đảo hơn 8 tỷ đồng

Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) tố cáo Nguyễn Thị Thu Hà có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Bạch M, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại NCB số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Truy tố nguyên cán bộ ngân hàng NCB lừa đảo hơn 8 tỷ đồng ảnh 1Khách hàng giao dịch tại NCB. (Ảnh minh họa. Nguồn: NCB)

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nghiên cứu, đưa ra xét xử vụ án lừa đảo hơn 8 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (viết tắt là NCB), chi nhánh Hà Nội.

Bị can trong vụ án này là Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1972, nguyên Trưởng phòng giao dịch số 14, Ngân hàng NCB, chi nhánh Hà Nội), bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, ngày 18/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận được tố giác của Ngân hàng NCB tố cáo Nguyễn Thị Thu Hà có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà Nguyễn Bạch M. (sinh năm 1960, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại NCB.

Qua điều tra, đã xác định, do có mối quan hệ thân thiết giữa vợ chồng bà Nguyễn Bạch M. và vợ chồng Hà, từ năm 2012 đến ngày 6/1/2016, bà M. đã nhiều lần gửi tiền tiết kiệm tại NCB, phòng giao dịch số 14, chi nhánh Hà Nội do Hà là trưởng phòng với vai trò phụ trách chung các hoạt động của phòng giao dịch.

[Đi tù vì chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân]

Đến cuối năm 2015, do cần tiền để kinh doanh, Hà nói dối với bà M. là NCB đang có loại sản phẩm mới, ưu đãi, chuyển từ dạng tiết kiệm sang dạng gửi "Bảo lãnh ngân hàng" với lãi suất 12-13%/năm, đồng thời thuyết phục bà M. chuyển sang sử dụng sản phẩm mới.

Để tạo niềm tin, Hà nói với bà M.: "Chị là khách hàng VIP nên em dành cho chị sản phẩm này, tiền của chị vẫn trong ngân hàng, muốn rút tiền lúc nào cũng được." Nếu rút thì Hà sẽ đem tiền đến cho bà M. và chỉ thay sổ tiết kiệm hiện tại bằng "bảng kê tiền gửi," nếu muốn chuyển sang gói sản phẩm mới này, bà M. phải ký tất toán toàn bộ số tiền đang gửi tiết kiệm tại NCB.

Do tin tưởng Hà, bà M. đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm tại NCB để chuyển cho Hà.

Sau mỗi lần bà M. giao tiền, Hà đều đưa cho bà M. "bảng kê tiền gửi" có chữ ký của Hà và đóng dấu của NCB.

Từ ngày 6/10/2015- 30/7/2016, bà M. đã 6 lần giao cho Hà tổng số gần 8,3 tỷ đồng, trong đó hơn 7 tỷ đồng tiền tất toán gửi tiết kiệm tại NCB, Phòng giao dịch số 14 và hơn 1,1 tỷ đồng tiền đưa thêm.

Cuối năm 2016, bà M. yêu cầu Hà cho rút tiền nhưng Hà hứa hẹn nhiều lần và không thực hiện.

Ngày 12/1/2017, bà M. đến phòng giao dịch số 14, NCB làm thủ tục rút tiền và đưa ra các bảng kê tiền gửi cho ngân viên ngân hàng thì được biết toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của bà M. đã được rút và tất toán từ lâu. Những bảng kê tiền gửi do Hà ký đưa cho bà không phải biểu mẫu của ngân hàng nên không có giá trị để rút tiền.

Bà M. đã làm đơn khiếu nại gửi đến NCB đề nghị kiểm tra, giải quyết trả lại tiền cho bà. Sau đó, bà M. được NCB thông báo việc Hà đã nghỉ việc, ngân hàng không có sản phẩm “Bảo lãnh ngân hàng,” các giao dịch giữa bà M. với Hà chỉ là giao dịch cá nhân và không được hoạch toán vào hệ thống ngân hàng.

Việc Hà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ký, đóng dấu trên các bảng kê tiền gửi là vi phạm quy định của NCB.

Tại cơ quan điều tra, Hà đã khai nhận hành vi phạm tội như trên. Số tiền nhận của bà M., Hà khai đã đem cho một số công ty vay. Tuy nhiên, Hà không đưa ra được tài liệu chứng minh việc này.

Đến nay, Nguyễn Thị Thu Hà mới trả cho bà M. được 3,8 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt của bà M. gần 4,5 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục