Truy tố kẻ giả danh Thanh tra giáo dục để lừa đảo “chạy việc"

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nhâm Văn Thành (sinh năm 1980, trú tại xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nhâm Văn Thành (sinh năm 1980, trú tại xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2008-2016, Nhâm Văn Thành làm Trưởng bộ phận quản trị bảo vệ tại Văn phòng Trung tâm hội nghị giáo dục thuộc Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo (địa chỉ tại số 23 phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Lợi dụng tính chất công việc của mình, Thành đã tự giới thiệu với những người quen là Thành có mối quan hệ rộng, có khả năng xin học, xin việc làm tại các ngành công an, y tế, giáo dục… Do tin tưởng Thành, từ năm 2014 đến năm 2016, một số người đã đưa tiền cho Thành để nhờ xin việc làm, xin đi học cho con cháu và những người thân quen của họ. Sau khi nhận tiền, Nhâm Văn Thành không xin được như hứa hẹn mà chiếm đoạt số tiền đã nhận.

[Bắt tạm giam kẻ giả danh nhân viên Liên hợp quốc để lừa đảo]

Kết quả điều tra cho thấy, Thành đánh bạc dưới hình thức lô đề và bị thua nên mất rất nhiều tiền. Tháng 3/2016, Thành nói dối ông Lê Văn Ngọc (ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) rằng mình từng làm bảo vệ cho một lãnh đạo cấp cao và hiện đang là Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên có khả năng xin học và xin việc làm. Tin tưởng, ông Ngọc đã nhờ Thành “chạy” cho con mình vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Thành đồng ý giúp với giá 450 triệu đồng và nhận trước 65 triệu đồng. Tuy nhiên, Thành đã dùng số tiền này để chi tiêu cá nhân mà không xin được học cho con ông Ngọc.

Bằng thủ đoạn gian dối này, từ năm 2014 đến năm 2016, Nhâm Văn Thành đã nhận tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng của 12 người xin học và 23 trường hợp xin đi làm. Sau khi nhận tiền, Thành đã chiếm đoạt và sử dụng cho mục đích cá nhân mà không thực hiện theo như cam kết. Hiện, Thành vẫn chưa khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Ngoài việc nói dối là bảo vệ cho lãnh đạo cấp cao, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành còn tự bịa chuyện mình là Trung tá Công an, trưởng phòng… để tạo sự tin tưởng của mọi người. Khi lừa đảo, Thành còn đưa cho họ các giấy báo nhập học, trúng tuyển… của cơ sở tuyển dụng. Với các trường hợp xin vào ngành công an, Thành còn chủ động đưa các bị hại đi khám sức khỏe miễn phí.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã xác định trong vụ án này còn có một số người khác là trung gian giới thiệu các bị hại cho Thành. Qua xác minh cho thấy: Do quá tin tưởng Thành, những người này đã vô ý giúp Thành, mà hoàn toàn không được hưởng lợi và thậm chí còn là bị hại trong vụ án nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Trong số các trung gian trên, một người đã đưa 235 triệu đồng cho Nguyễn Thị Xoa (trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) để xin cho người quen vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang nhưng cũng không được như Thành đã cam kết. Đến nay, Cơ quan Điều tra chưa xác định được đối tượng Nguyễn Thị Xoa nên tách hành vi này, để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục