Truy tố hai người sau bê bối lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ

Trong quá trình điều tra vụ bê bối lạm dụng thuốc giảm đau làm hàng chục nghìn người tử vong ở Mỹ, cơ quan chức năng Mỹ đã truy tố hai cựu lãnh đạo công ty dược phẩm lớn Rochester Drug Cooperative.
Truy tố hai người sau bê bối lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ ảnh 1Rochester Drug Cooperative trước tâm bão. (Nguồn: The Globe and Mail)

Trong khuôn khổ điều tra vụ bê bối lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid khiến hàng chục nghìn người tử vong tại Mỹ, ngày 24/4, hai cựu lãnh đạo công ty dược phẩm lớn Rochester Drug Cooperative của Mỹ đã bị cáo buộc thực hiện các đơn hàng phân phối thuốc mà họ biết rõ là sai trái.

Đây là lần đầu tiên các cựu lãnh đạo hãng dược phẩm phải đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến việc phân phối thuốc giảm đau như oxycodone và fentanyl, vốn tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao khi dùng bổ sung hay dùng quá liều.

Các bị cáo trên gồm cựu Giám đốc điều hành (CEO) Laurence Doud, 75 tuổi, và William Pietruszewski, 53 tuổi, một thành viên cấp cao của công ty. Hai đối tượng này bị cáo buộc buôn lậu, phân phối các loại dược phẩm trong danh mục kiểm duyệt khiến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhiều năm qua tại Mỹ thêm trầm trọng. Mức án cho các tội danh này là từ 10 năm tù đến chung thân.

Các cuộc điều tra cho thấy Rochester Drug Cooperative đã "ém nhẹm" ít nhất 2.000 đơn hàng thuốc khả nghi mà lẽ ra phải báo cáo đầy đủ với đơn vị chủ quản là Cơ quan Quản lý dược phẩm Mỹ (DEA). Ngoài ra, hãng đã thừa nhận trong thời gian từ năm 2012 - 2017, Rochester Drug Cooperative đã không tuân thủ quy định của pháp luật khi không báo cáo về các lô thuốc giảm đau khả nghi. Theo các tài liệu của bên công tố, Rochester Drug Cooperative phân phối cho khoảng 1.300 nhà thuốc và doanh thu hằng năm đạt hơn 1 tỷ USD.

Rochester Drug Cooperative là một trong những nhà phân phối thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid lớn nhất ở Mỹ. Trước đó, hãng đã ký một thỏa thuận không truy tố với Văn phòng Công tố tại New York và nhất trí trả khoản tiền phạt 20 triệu USD. Đổi lại, công ty này sẽ không bị truy tố và được giữ giấy phép kinh doanh dược phẩm, với cam kết thay đổi phương thức làm việc của mình.

[Mỹ buộc tội hàng chục bác sỹ kê đơn lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện]

Trong một tuyên bố, Rochester Drug Cooperative thừa nhận rằng trong thời gian từ năm 2012 - 2017, công ty đã không thông báo các lô thuốc giảm đau mà họ thấy nghi ngờ, theo đúng quy định của pháp luật. Theo các tài liệu của bên công tố, Rochester Drug Cooperative phân phối cho khoảng 1.300 nhà thuốc và với doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ USD.

Cơ quan công tố New York cho biết: "Các nhân viên của Rochester Drug Cooperative, trong đó có cả các cuộc đối thoại với ông Doud và Pietruszewski, đã mô tả một số khách hàng của công ty là "rất khả nghi", và thậm chí còn lưu ý rằng một số nhà thuốc nằm trong một "cuộc điều tra đang tiến hành của DEA" hoặc "chờ DEA xử lý." Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của ông Doud, Rochester Drug Cooperative vẫn tăng lượng bán thuốc oxycodone và fentanyl "theo cấp số nhân."

Phát biểu với báo giới, Trưởng Công tố Geofrey Berman cho biết: "Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ lòng tham lam," đồng thời nói thêm rằng lương của ông Doud đã được tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012 - 2016.

Trước đó, ngày 17/4, Bộ Tư pháp Mỹ và Bộ Y tế và dịch vụ con người thông báo 60 người, trong đó có 53 nhân viên y tế, đã bị cáo buộc có hành vi kê đơn và phân phối bất hợp pháp những thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin.

Truy tố hai người sau bê bối lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ ảnh 2Thuốc giảm đau đang trở thành một chủ đề nóng trong lòng xã hội Mỹ. (Nguồn: cbsnews.com)

Cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ bắt đầu từ những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau Oxycontin và các loại thuốc giảm đau được lưu hành hợp pháp khác, khiến hơn 2 triệu người bị nghiện thuốc giảm đau. Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh do nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn. Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện. Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết hơn 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng do nạn lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục