Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố hai bị can Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ và thương mại Bình An), Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1994, trú tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về tội “Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm” theo quy định tại Điều 193, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, ngày 11/8/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hà Nội) đang làm nhiệm vụ tại khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phát hiện Đào Xuân Dương (sinh năm 1999, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và Phan Thị Thu Hường (sinh năm 1994, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang kiểm đếm hàng hóa có biểu hiện nghi vấn.
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 606 hộp thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng nhãn hiệu ALIPAS pro, trên bao bì ghi: Sản xuất và chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ và thương mại Bình An (Công ty Bình An). Số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ.
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất và 2 kho chứa hàng hóa của Công ty Bình An, tại địa chỉ xã Cam Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), phát hiện và thu giữ gần 6.000 hộp thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng ALIPAS pro.
[Hà Nội: Phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng BOCA giả]
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Sản phẩm thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng ALIPAS pro của Công ty Bình An là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ALIPAS đang được bảo hộ cho Công ty cổ phẩn dược phẩm ECO.
Qua điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định, mặc dù biết rõ Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất hàng giả là thực phẩm, biết thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thực phẩm ALIPAS do nước ngoài sản xuất có tác dụng hỗ trợ chức năng sinh lý cho nam giới bán chạy trên thị trường, tháng 5/2020, Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thị Thùy Linh đã thống nhất bàn bạc cùng làm giả sản phẩm ALIPAS của Công ty cổ phần dược phẩm ECO, lấy tên là ALIPAS pro do Công ty Bình An sản xuất để bán lại kiếm lời.
Trong vụ án này, Tiến và Linh bàn bạc, phân công Tiến chịu trách nhiệm thiết kế maket mẫu vỏ hộp, bao bì, nhãn mác sản phẩm với cách đọc, kiểu dáng chữ giống với sản phẩm ALIPAS, có biểu tượng cờ nước Mỹ, có số điện thoại tổng đài của nước Mỹ trên vỏ hộp.
Về thành phẩm, hàm lượng, Tiến sử dụng mã vạch ghi trên vỏ hộp dựa trên mẫu sản phẩm MENX PLUS của Công ty Bình An. Tiến mua nguyên liệu sản phẩm và chuyển đến cho Linh đóng thành phẩm.
Còn Linh chịu trách nhiệm đặt in vỏ hộp mang tên Công ty Bình An là đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm, đóng viên nang, đóng lọ, đóng hộp thành phẩm, chịu trách nhiệm về hồ sơ tự công bố sản phẩm và chuyển lại cho Tiến tiêu thụ.
Cơ quan điều tra đã thu giữ được hơn 6.550 sản phẩm nhãn hiệu ALIPAS pro, giá tương đương giá trị sản phẩm ALIPAS hàng chính hãng là hơn 4,5 tỷ đồng.
Cơ quan công an xác định, Đào Xuân Dương, Phan Thị Thu Hường là người đặt mua 606 sản phẩm ALIPAS pro của Tiến. Do Dương và Hường không biết đó là sản phẩm giả, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự đối với Dương và Hường./.