Gần đây, trên mạng Internet liên tục xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, cứ vào dịp trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng thì nhiều đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, sai sự thật, thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng, bôi xấu nhân sự, phá hoại sự thành công của Đại hội.
Theo ông Tuấn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp cùng Bộ Công an và các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh thông tin.
Về phía mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Cục An toàn thông tin và tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet có biện pháp kỹ thuật xử lý tình trạng này.
“Chúng tôi chỉ đạo Cục An toàn thông tin và các nhà mạng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Bộ Công an dùng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ truy tìm những đối tượng lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật để xử lý theo quy định,” ông Tuấn nói.
Cùng lúc, các nhà mạng phải có các biện pháp lỹ thuật xử lý các nguồn phát tán thông tin sai phạm; chủ động rà soát, có phương án xử lý đối với hành vi lợi dụng hệ thống thông tin di động (tin nhắn SMS, dịch vụ 3G) để phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước.
Về việc các thông tin vi phạm được thực hiện qua tin nhắn, mạng xã hội của nước ngoài, gây khó khăn cho công tác quản lý, ông Tuấn nhận định, người sử dụng mạng xã hội nói trên là người Việt Nam.
Theo ông Tuấn, chính sách của các mạng xã hội nước ngoài có một số điểm khác biệt với luật pháp Việt Nam và không chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam nhưng công dân Việt Nam thì phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng Internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý như Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nhưng đây là lĩnh vực mới, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì cần có thời gian,” ông Tuấn nói.
Bởi vậy, vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng tẩy chay những loại thông tin bịa đặt, xuyên tạc nói trên. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng, mỗi người cần tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Đây cũng chính là dịp để chúng ta thể hiện bản lĩnh, hun đúc tinh thần yêu nước, bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Ngoài ra, các các cơ quan truyền thông cần lên tiếng phản bác những thông tin sai sự thật để người dân có cái nhìn chính xác nhất./.