Truy điệu và tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Hàng ngàn chư tôn giáo phẩm, môn đồ pháp quyến, tăng ni phật tử đã tập trung tại chùa Vạn Đức, TP.HCM, để truy niệm, tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang tại lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 3/4, tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ truy điệu và tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Hàng ngàn chư tôn giáo phẩm, môn đồ pháp quyến, tăng ni phật tử cùng với lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh và các ban ngành Trung ương, các địa phương đã tập trung tại chùa Vạn Đức để thực hiện các nghi lễ truyền thống, lễ truy niệm, tưởng niệm và phụng tống kim quan giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh vào bảo tháp nằm trong khuôn viên chùa Vạn Đức (quận Thủ Đức).

Tại buổi lễ, thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội đã cung tuyên Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh; Hòa thượng Thích Chơn Thiện thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự tuyên đọc lời tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lời tưởng niệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đoạn: Với ân đức uy nghiêm, đạo tâm trác thế, trí huệ viên dung, tòng lâm thạch trụ, bậc mô phạm cho đàn hậu học, trong gần trăm năm trụ thế, 70 năm đóng vai long trượng chốn rừng thiền, mỗi lời pháp của Đại lão Hòa thượng là khơi nguồn trí huệ; mỗi việc làm của Đại lão Hòa thượng là mở lối tương lai, mỗi cử chỉ của Hòa thượng là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa. Đại lão Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước học tập và noi theo.

Khi nước nhà thống nhất, giang sơn nối liền một dải, Bắc Nam sum hợp một nhà, trong tinh thần hòa hợp, tứ chúng đồng tu, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam tiến hành sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước, kế thừa truyền thống 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Với cương vị lãnh đạo trong Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm vững mạnh trên mọi phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, thế giới biết đến Việt Nam, Phật giáo Việt Nam ngày càng rõ nét, quan hệ tốt đẹp hòa bình. Quả thật: “Năm châu bốn bể là huynh đệ, chung sống bên nhau bảo vệ hòa bình”.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội, Đại lão Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, với trọng trách là người đứng đầu Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra những quyết sách, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm chiến lược lâu dài, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống “phụng đạo-yêu nước, tốt đời đẹp đạo” của ngàn năm Phật giáo Việt Nam.

Với những đóng góp của mình cho Đạo pháp và dân tộc, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân và Giáo hội ghi nhận với các phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Do niên cao lạp trưởng, vào lúc 9 giờ 15 sáng ngày 28/3 (nhằm ngày 28/2 Giáp Ngọ), Đại lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch tại chùa Vạn Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại lão Hòa thượng trụ thế 98 năm; hạ lạp 69 năm.

Đại lão Hòa thượng húy danh Nguyễn Văn Bình, pháp hiệu Thích Trí Tịnh, sinh năm 1917 (Đinh Tỵ) tại làng Mỹ Luông, Quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ngài xuất gia năm 1937 với Hòa thượng Thích Hồng Xứng tại chùa Vạn Linh (An Giang) và thọ Cụ túc giới năm 1946 tại chùa Long An, Sa Đéc.

Theo Ban tổ chức lễ tang, lễ viếng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được tổ chức trang trọng tại chùa Vạn Đức. Từ ngày 29/3 đến mùng 2/4 đã có gần 1.000 đoàn đến viếng, trong đó có các đoàn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành; các tổ chức đoàn thể Trung ương và địa phương; các tổ chức tôn giáo, các đơn vị, tập thể, cá nhân, tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Cũng trong sáng 3/4, tại trụ sở Văn phòng I-chùa Quán Sứ, Hà Nội, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trọng thể tổ chức lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tưởng nhớ công đức, đạo hạnh của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã viết: “Vô cùng kính tiếc Đức Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn toàn thể chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, cư sỹ, Phật tử ở trong và ngoài nước tiếp tục noi gương đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng, đóng góp tích cực xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát triển vững mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục