Ngày 21/1, tại chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trang nghiêm cử hành Lễ truy điệu, tưởng niệm và cung nghinh kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Đức phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhập Bảo tháp.
Các chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, các ban, ngành tỉnh Ninh Bình và các tăng ni, phật tử, dòng tộc họ Phan đã về chùa Hòa Lạc dự Lễ truy điệu, tưởng niệm và Lễ nhập Bảo tháp Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Đức phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tại Lễ truy điệu, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc tiểu sử ôn lại cuộc đời của Hòa thượng Thích Thanh Đàm trải qua 98 năm hiện diện ở cõi Sa Bà với 78 năm hạ lạp.
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, thế danh Phan Văn Phàn, sinh năm 1924 tại thôn Kim Định, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, xuất gia năm 1936.
[Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch ở tuổi 98]
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đã trọn đời hiến dâng cho lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, là một vị giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam, có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.
Tuy tuổi cao nhưng Hòa thượng luôn hăng say trong các hoạt động Phật sự, sách tấn tăng ni, tích cực hoằng pháp ở những nơi vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo. Hòa thượng vinh dự là người cao tuổi nhất Việt Nam đi đảo Trường Sa.
Hành động này của Hòa thượng đã đưa Phật pháp tới biển đảo thân yêu, góp phần không nhỏ trong việc ổn định chính trị đất nước và trong khu vực.
Trong suốt cuộc đời tu hành, Hòa thượng luôn là tấm gương quy tụ tăng ni, phật tử đoàn kết, góp phần lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng phương châm: "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội," thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng.
Những đóng góp của Hòa thượng với đất nước đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc lời tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm: Gần một trăm năm thác tích trần hoàn, Hòa thượng đã thắp sáng tâm đăng bao thế hệ.
Từ thuở đồng chân nhập Đạo, Hòa thượng một lòng tinh tấn tu hành, đèn trí tuệ ngày thêm sáng tỏ. Cả cuộc đời của Hòa thượng sống kết mình bình dân, giản dị, siêng năng cần cù, hòa nhã, dù thế cuộc xoay vần, dù ở cương vị nào vẫn nghiêm trang cốt cách thoát tục: tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam Mô.
Tuy rất nghiêm khắc với bản thân nhưng đối với tứ chúng lại khiêm cung hòa nhã, với đạo hạnh từ bi, khiêm cung, ái kính, lời nói chân thành chất phác nên khi tiếp xúc với mọi người, mọi tầng lớp tín đồ Phật từ lời dạy của Hòa thượng như dòng suối mát hiền khiến ai cũng cảm mến và nhất mực cung kính.
Giữa vùng đất Kim Sơn lịch sử, Hòa thượng là gương sáng tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết lương-giáo chung tay dựng xây quê hương đất nước.
"Sự ra đi của Ngài để lại một sự mất mát to lớn cho Giáo hội, cho tăng ni, phật tử Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài, môn nhân đệ tử học đồ. Song hành trạng, công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của tăng ni, phật tử, các cấp Giáo hội, môn đồ đệ tử và Phật tử Việt Nam," Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tưởng nhớ.
Theo Ban Tổ chức, trong thời gian tổ chức lễ tang từ ngày 18-21/1/2022, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, dâng hương kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, gia đình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi vòng hoa kính viếng...
Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, các cơ quan tổ chức, các phái đoàn tôn giáo đã đến phúng viếng Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm và chia buồn với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đây là những tình cảm sâu sắc, là sự khích lệ to lớn để tăng ni, phật tử cả nước kế thừa và phát huy truyền thống hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc, học tập và noi gương những công lao to lớn đối với đạo pháp và dân tộc mà Đức phó Pháp chủ đã trọn đời cống hiến./.