Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chiều nay, ngày 14/6, Sở sẽ công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2019-2020. Ngay ngày mai, 15/6, Sở sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố.
Trên 20.000 học sinh sẽ trượt
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, trong Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có trên 85.700 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có trên 500 thí sinh bỏ thi. Số học sinh dự thi thực tế là trên 85.000 em.
Chỉ tiêu tuyển sinh của Hà Nội vào các trường trung học phổ thông công lập là trên 62.000 học sinh. Nếu tính cả chỉ tiêu vào các trường chuyên, lớp chuyên, với 2.435 em, thì tổng chỉ tiêu vào các trường công lập của Hà Nội là trên 64.400 học sinh. Theo đó, sẽ có trên 20.000 học sinh Hà Nội bị trượt trong Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm nay, chiếm trên 23%.
Con số này chưa tính đến số lượng học sinh chỉ thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường trung học phổ thông ngoài công lập.
Còn rất nhiều lựa chọn
Cũng theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngoài 64.400 chỉ tiêu vào các trường công lập, trường chuyên, năm học này, Hà Nội còn có 2.745 chỉ tiêu vào các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính và trên 21.800 chỉ tiêu tuyển vào các trường trung học phổ thông ngoài công lập. Theo đó, vẫn còn trên 24.500 chỉ tiêu, là cơ hội lựa chọn cho trên 20.000 học sinh không đỗ trường công lập. Học phí ở các trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập cao hơn các trường công lập.
Với những học sinh không đủ khả năng tài chính theo học các trường trên, vẫn có thể theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề. Tuy nhiên, các trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề rất ít được phụ huynh lựa chọn. “Không ai muốn cho con học nghề, tôi không biết nên cho con học nghề gì còn các con thì còn quá nhỏ chưa định hướng được,” chị Vũ Bích Hường (phụ huynh học sinh Đỗ Xuân Sơn, lớp 9, Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị, Hà Nội) chia sẻ.
Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tại Hà Nội, phụ huynh thường nghĩ, không học đại học vẫn có thể đi làm bình thường nhưng không vào lớp 10 thì mọi thứ như đóng cửa, phụ huyh không chấp nhận bổ túc văn hóa hoặc nghề. “Đây là quan niệm sai lầm của phụ hynh và chính vì thế nên tạo áp lực cho trẻ và chính sách phân luồng rất khó khăn để thực hiện,” tiến sỹ Vũ Thu Hương nói.
Cha mẹ hãy đồng hành cùng con
Là một hiệu trưởng đã có cả cuộc đời gắn bó với các em học sinh, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) bảo, ông rất hiểu những áp lực của học trò mỗi khi kỳ thi tới. Một kỳ thi cạnh tranh thì chắc chắn sẽ có kẻ trượt, người đỗ, và người chịu tổn thương nhiều nhất chính là các em học sinh. Khi đó, điều các em cần nhất chính là sự quan tâm, động viên, khích lệ, sẻ chia của người thân, bạn bè, thầy cô, trước tiên là bố mẹ, ông bà.
“Trên thực tế, đã có những trường hợp khi học sinh thi trượt, tự bản thân đã rất thất vọng, lại không nhận được sự sẻ chia từ gia đình, đã dẫn đến những hệ quả xấu khi các em nghĩ quẩn và có những hành động tiêu cực,” thầy Bình phân tích.
Hiểu được điều đó, ngay từ cuối tháng Tư, thầy Bình đã tổ chức cuộc họp với các phụ huynh học sinh cuối cấp. Tại cuộc họp, nhà trường không chỉ thông báo về kết quả học tập, kế hoạch ôn thi của học sinh mà còn đặc biệt nhấn mạnh công tác tư tưởng cho các bậc phụ huynh.
[Hà Nội: Hàng loạt điều chỉnh hỗ trợ thí sinh tra cứu điểm thi vào 10]
“Chúng tôi hiểu cha mẹ nào cũng kỳ vọng ở con, cũng có những mong đợi nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong phụ huynh phải hiểu con mình và đừng đặt kỳ vọng quá cao, gây áp lực cho con. Trong trường hợp không đạt kết quả như mong muốn, cha mẹ hãy ở bên con, chia sẻ, động viên, và cùng con tìm hướng đi phù hợp. Cùng một đích đến, nhưng có thể có rất nhiều con đường đi. Tôi mong các phụ huynh hãy đồng hành cùng con mình khi con thành công và cả khi con thất bại. Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra” thầy Bình chia sẻ.
“Có rất nhiều cánh cổng trường rộng mở, không đỗ trường công thì học trường tư, không có cơ hội này thì có cơ hội khác, điều quan trọng là con phải bước tiếp” cũng là chia sẻ của chị Chu Thị Xuân Hường với cậu con trai Nguyễn Việt Anh, Trường Trung học cơ sở Tân Định (quận Hoàng Mai) trước kỳ thi quan trọng nhất sau 9 năm đèn sách.
Để cho con có một tâm thế thoải mái nhất, chị Hà Thị Kim (phường Quán Thánh, Hà Nội) cho biết, chị thậm chí đã nói với con về tình huống xấu nhất xả ra, khi con làm bài không tốt, không đạt như kỳ vọng thì vẫn vui vẻ chấp nhận, vì con đã rất nỗ lực. “Bố mẹ nào cũng mong con thi đỗ vào trường tốt, nhưng mình áp lực quá sẽ khiến con bị căng thẳng. Trước kỳ thi, tôi vẫn động viên con mình bình tĩnh, làm bài hết sức của mình, đạt được kết quả đến đâu thì vui đến đấy. Nếu không đạt như mong đợi, bố mẹ sẽ cùng con tính hướng đi phù hợp nhất với khả năng, nguyện vọng của con,” chị Kim tâm sự./.