Ngay sau khi kết thúc tuyển sinh đợt một, hàng chục trường đại học, gồm cả trường công lập và ngoài công lập, đã công bố xét tuyển bổ sung. Theo đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội đỗ đại học đang chào đón các thí sinh chưa trúng tuyển đợt đầu tiên.
Rộng cửa từ trường công...
Trong số các trường còn chỉ tiêu xét tuyển, có rất nhiều trường đại học công lập với nhiều ngành nghề đa dạng để thí sinh lựa chọn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn 500 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy. Trong đó, có 5 ngành theo chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và 16 ngành học tiêu chuẩn.
Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tuyển 90 chỉ tiêu, gồm các ngành: Khoa học cây trồng tiên tiến, Quản trị kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, Công nghệ sinh học chất lượng cao, Kinh tế tài chính chất lượng cao, Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao. Mỗi ngành 20 chỉ tiêu, riêng ngành Quản trị kinh doanh nông nghiệp tiên tiến chỉ tuyển 10 chỉ tiêu.
Chương trình đào tạo tiêu chuẩn tuyển 410 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo. Trong đó các ngành có chỉ tiêu nhiều nhất là Chăn nuôi, Thú y, Khoa học môi trường với 50 chỉ tiêu mỗi ngành.
Trường áp dụng hai phương thức tuyển sinh là dựa trên kết quả học tập lớp 12 và theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển là của ba môn, trong đó môn chính nhân hệ số hai, đạt từ 23 điểm trở lên với phương thức xét theo học bạ và đạt từ 20 điểm trở lên nếu xét theo điểm thi. Quy định về tổ hợp môn và môn chính tùy theo từng ngành học cụ thể.
[Trên 440.000 thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2019]
Theo đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhằm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập cho sinh viên trong khi học cũng như sau khi tốt nghiệp, Học viện đã hợp tác với gần 200 doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn, các đối tác trong nước và quốc tế cùng tham gia đào tạo. Các lĩnh vực Việt Nam cũng như thị trường quốc tế đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao như Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Thú y, Chăn nuôi, Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp thông minh, Quản trị nguồn nhân lực, Du lịch sinh thái.... Trong quá trình học tập cũng như sau khi tốt nghiệp, sinh viên được lựa chọn đào tạo thực hành tại doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và một số quốc gia khác với thời gian từ một đến 5 năm.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng xét tuyển bổ sung cho Khoa Quản trị Kinh doanh và trường Đại học Giáo dục. Cụ thể, Khoa Quản trị và Kinh doanh tuyển bổ sung chương trình Cử nhân Quản trị doanh nghiệp và công nghệ (MET) với mức điểm xét tuyển khá thấp, chỉ 16 điểm, theo tổ hợp điểm thi Trung học phổ thông quốc gia khối A và D. Trong đó, ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (TOEFL 500 PPT, TOEIC 600) có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán).
Đại học Giáo dục tuyển sinh bổ sung cho các ngành Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục. Mỗi ngành tuyển 30 chỉ tiêu. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp điểm thi Trung học phổ thông quốc gia từ 16 điểm. Các tổ hợp xét tuyển gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A16 (Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên), C15 (Toán, Ngữ văn, Khoa học Xã hội) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Đại học Nông lâm Thái Nguyên công bố tuyển bổ sung hơn 200 chỉ tiêu cho 17 ngành đạo tạo. Thí sinh có thể xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia với mức điểm rất thấp, chỉ từ 13 điểm, hoặc theo học bạ với điểm xét tuyển từ 17 điểm.
Đại học Đà Lạt còn thiếu 650 chỉ tiêu cho 25 ngành đào tạo trình độ đại học. Trường cũng sử dụng cả hai phương thức xét tuyển là học bạ (từ 21 điểm) và điểm thi Trung học phổ thông quốc gia (từ 14 điểm).
…đến trường tư
Trong khi các trường công lập với học phí thấp hơn vẫn thiếu chỉ tiêu và phải xét bổ sung thì ở các trường ngoài công lập, số ghế trống sau đợt một còn lớn hơn rất nhiều. Vì thế, hầu hết các trường ngoài công lập đều phải xét tuyển bổ sung, theo cả hai hình thức: xét học bạ và điểm thi Trung học phổ thông quốc gia.
Đại học Phenikaa có tổng số 18 ngành đào tạo. Sau đợt một, trường có 5 ngành đã đủ chỉ tiêu và công bố tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 13 ngành còn lại. Các ngành học này thuộc nhiều lĩnh vực như y-dược, công nghệ thông tin, luật, kinh tế, ngôn ngữ Anh, kỹ thuật ô tô, cơ điện tử… Mức điểm sàn xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia trong khoảng từ 16,5 đến 20 điểm. Điểm xét tuyển theo học bạ từ 21 đến 24 điểm. Ngành học có chỉ tiêu tuyển bổ sung nhiều nhất là Dược học và Điều Dưỡng, mỗi ngành 200 chỉ tiêu. Các ngành học khác mỗi ngành tuyển từ 20 đến 50 chỉ tiêu.
Đại học Thành Đô tuyển bổ sung cho 16 ngành đào tạo, trong đó có 11 ngành đào tạo trình độ đại học, 5 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 14 điểm. Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển bổ sung cho hai ngành: Kiến trúc, Quản lý đô thị và công trình. Các trường Đại học Văn Hiến, Đại học Tân Tạo, Đại học Hoa Sen, mỗi trường tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu. Đại học Công nghệ Sài Gòn tuyển bổ sung 850 chỉ tiêu. Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 1.000 chỉ tiêu.
Đại học dân lập Phương Đông sử dụng tới ba phương thức xét tuyển cho 16 ngành đào tạo. Bên cạnh hình thức xét tuyển bằng học bạ và điểm thi Trung học phổ thông theo các tổ hợp môn như các trường khác, đại học này còn sử dụng thêm hình thức xét tuyển bằng điểm tổng kết trung bình chung các môn học lớp 12.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tuyển sinh bổ sung do các trường tự quyết định về thủ tục, thời gian xét tuyển, không theo lịch tuyển sinh chung như đợt một. Vì thế, khi tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung, thí sinh cần lưu ý để nộp hồ sơ đúng thời gian quy định./.