Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du khai giảng năm học mới

Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du có trách nhiệm, nghĩa vụ dạy cho học sinh của nhà trường không chỉ giỏi tiếng Việt, mà còn phải hiểu rõ sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt.
Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du khai giảng năm học mới ảnh 1Giáo viên Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du đón học sinh lớp 1 vào Trường trong Lễ Khai giảng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tham dự buổi lễ có bà Sisouk Vongvichith, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Phan Minh Chiến, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; đại diện các sở, ban, ngành liên quan của thủ đô Vientiane; đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào và thủ đô Vientiane, cùng đông đảo thầy trò nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh.

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, bà Sivanheuang Phengkhammay, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết trong năm học 2022-2023 vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các hoạt động giáo dục cũng như nhiều hoạt động khác của nhà trường đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Cụ thể, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,79%; tỷ lệ học sinh giỏi đạt 18,88%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cuối cấp khối Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đạt 100%.

Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, các em học sinh thi cuối cấp lớp 12 đạt loại khá với tỷ lệ cao, trên 80% và có 1 học sinh thi tốt nghiệp lớp 5 đạt điểm tối đa 4 điểm 10. Đây là những con số còn rất khiêm tốn, nhưng đã phản ánh và ghi nhận sự nỗ lực của cả tập thể thầy và trò nhà trường trong năm học vừa qua.

[Người Việt tại Lào tự hào về những thành tựu của đất nước, quê hương]

Bà Sivanheuang nhấn mạnh chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định, khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu của nhà trường trong xã hội. Bà yêu cầu mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ, nhân viên phải thật sự là tấm gương sáng về đạo đức cho các em học sinh noi theo, đồng thời đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đem hết sức lực, trí tuệ, tình thương yêu của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và vì chất lượng đào tạo của nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, bà Sisouk Vongvichith, đã đánh giá cao những kết quả học tập và giảng dạy mà thầy trò nhà trường đã đạt được trong những năm qua.

Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du khai giảng năm học mới ảnh 2Hiệu trưởng Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du Sivanheuang Phengkhammay, đánh trống khai giảng năm học 2023-2024. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bà nhấn mạnh Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du có trách nhiệm và nghĩa vụ dạy cho học sinh của nhà trường không chỉ giỏi tiếng Việt, mà còn phải hiểu rõ sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt Nam anh em, từ đó tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát triển quan hệ Lào-Việt.

Tại buổi lễ, nhà trường đã trao giấy khen và phần thưởng cho các giáo viên, học sinh đạt thành tích tốt trong công tác giảng dạy và học tập trong năm học vừa qua, đồng thời trao bằng tốt nghiệp cho các học sinh cuối cấp 3.

Nhân dịp này, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã trao tặng cho thầy trò Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du món quà gồm 24 triệu đồng và một số sách vở và đồ dùng học tập cho các em học sinh.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ông Phan Minh Chiến, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, đã phát động Tuần lễ Tôn vinh tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam tại Lào, đồng thời trao giải và giấy khen cho các Việt kiều đã tham gia cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức.

Là ngôi trường của Cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du là trường liên cấp, từ khối Nhà trẻ-Mẫu giáo tới Trung học Phổ thông.

Được xây dựng từ nguồn tài trợ của Chính phủ Việt Nam vào năm 2005, hiện trường có 66 cán bộ giáo viên và 1.071 học sinh, trong đó con em người Việt chiếm khoảng 30%, số còn lại là học sinh người Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục